00:00 Số lượt truy cập: 2668686

Bà Thịnh ở Hòa Bình hỏi: Cách phòng và xử lý bệnh héo vàng lá chuối như thế nào? 

Được đăng : 11/11/2021

 

Trả lời:

Cây chuối nhiễm bệnh thường có hiện tượng vàng từ lá già bên dưới, sau đó lan dần lên các lá non. Triệu chứng vàng phát triển từ bìa lá và lan vào hướng gân lá. Lá bị bệnh thường héo, cuống gãy và lá treo trên thân giả, đôi khi cuống lá cũng bị gãy ở phần giữa phiến lá.

Trên cây bị bệnh, các lá già bị héo khô quanh thân giả, chỉ còn một số lá đọt xanh và mọc thẳng, các lá đọt này có màu xanh nhạt hay hơi vàng hoặc bị méo mó, nhăn nheo, cuối cùng cũng bị héo úa.

Bệnh héo vàng lá chuối xuất hiện và gây hại tập trung tại vùng chuối trồng từ 3 năm trở lên, các vùng trồng lâu năm thì tỷ lệ cây bị bệnh càng cao. Bệnh có thể phát sinh và gây hại trong bất kỳ giai đoạn sinh trưởng của cây chuối. Bệnh biểu hiện rõ nhất ở giai đoạn cây chuối ra hoa và phát triển quả non.

Bệnh héo vàng lá chuối là một bệnh gây chết cây chuối dần dần do nấm xâm nhập, phát triển và gây hại trong mạch dẫn. Khi cây chuối bị bệnh chết, bào tử được giải phóng vào đất khi cây, củ và rễ của cây phân hủy. Trong đất, bào tử nấm nảy mầm và xâm nhập vào tế bào của rễ cây chuối khác, sau đó phát triển thành sợi nấm gây hại rễ", Rễ nhỏ thứ cấp hoặc rễ non bị nấm xâm nhiễm, gây hại trước. Sau đó nấm phát triển, đi theo mạch dẫn vào thân chính và lên thân giả đến cuống lá và cuồng buồng chuối làm nghẽn mạch dẫn dinh dưỡng, dẫn đến cây chuối thiếu dinh dưỡng, lá vàng, quả kém phát triển và chết cây. Bệnh héo vàng lá chuối, còn gọi là bệnh héo rũ Panama, do nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense (Foc) gây ra. Nấm Fusarium oxysporum là loài nấm đa thực, gây hại rất phổ biến của nhiều loài cây trồng như: Bông, lanh, cà chua, cải bắp, đậu Hà Lan, khoai lang, dưa hấu, cọ dầu, chuối...

Đến nay, Foc được phân loại thành 3 chủng, dựa theo giống chuối mà loại nấm này sử dụng làm vật chủ. Cụ thể: Foc Race 1 (Foc 1), Foc Race 2 (Foc 2) và Foc Race 4 (Foc 4). Trong đó, Foc 4 có thể được chia thành hai chủng nhỏ hơn là Foc nhiệt đới 4 (Foc TR4) và Foc cận nhiệt đới 4 (Foc STR4). Chủng gây hại trên chuối tiêu tại một số tỉnh hiện nay là TR4.

Chủng TR4 có phạm vi vật chủ rộng hơn và khả năng sống sót để phát tán cao hơn cả

Để phòng bệnh, Cục BVTV khuyến cáo nông dân cần chọn những giống có khả năng chống chịu lại bệnh. Một trong số đó là giống GL3-5 do Viện Nghiên cứu Rau quả phát triển. Giống này hiện phát triển tốt ở cả những vùng từng nhiễm bệnh héo vàng lá chuối trước đây

Tại các vùng chưa bị bệnh héo vàng lá chuối, tuyệt đối tránh đi vào vùng có bệnh, bởi nấm gây hại có thể theo đất, nước bám lên giày, dép, quần áo. Nếu nghi ngờ, người dân phải kiểm soát chặt chẽ việc ra vào trang trại trồng chuối, khử trùng công cụ canh tác để ngăn sự xâm nhập của nguồn bệnh.

Khi chọn tạo, nhân giống, không sử dụng cây giống tách chồi từ các vườn chuối nhiễm bệnh, đồng thời. Những vườn trồng mới nên sử dụng giống chuối khỏe và sạch bệnh, nếu có thể thì ưu tiên giống chuối nuôi cấy mô sạch bệnh.

Tại vùng nhiễm bệnh, người dân cần tiêu hủy toàn bộ số cây bị nhiễm bệnh, bao gồm thân, lá, củ chuối và các tàn dư thực vật trong vườn theo đúng quy trình mà Cục BVTV đã hướng dẫn. Riêng quy trình xử lý đất, cần rắc vôi bột vào hố trồng, hoặc các chế phẩm có tính kháng nấm bệnh.

Với vùng nhiễm bệnh nặng, luân canh với một số cây trồng khác như: ngô, lạc tại vùng đất bãi. Sau khoảng 2 - 3 năm, có thể trồng lại chuối theo đúng quy trình từ đầu. 

Lê Khôi