00:00 Số lượt truy cập: 2785424

Chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn 2023 - 2030 

Được đăng : 09/11/2023
Ngày 8/11, tại Hà Nội, Hội thảo lấy ý kiến góp ý Đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn 2023-2030” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức. Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì Hội thảo.

 

Từ mục tiêu chung là phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến nhằm mục đích giảm thiểu đầu vào, giảm sử dụng nguyên liệu thô; tái chế tại chỗ các chất thải, phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến; hình thành chu trình sản xuất nông, lâm, thuỷ sản khép kín theo chuỗi; thông qua quá trình này, không chỉ tạo ra được các sản phẩm chất lượng cao, an toàn mà còn giảm thiểu tối đa lượng chất thải ra môi trường, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp gắn liền với việc bảo vệ môi trường.

Bộ NN&PTNT đề xuất mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Nghiên cứu hoàn chỉnh và đưa vào áp dụng các công nghệ tái chế và tái sử dụng các phụ phẩm trong chu trình sản xuất nông, lâm, thuỷ sản theo chuỗi khép kín. Phấn đấu 50% phụ phẩm trồng trọt và chất thải chăn nuôi, 100% nước và 80% chất thải trong nuôi trồng thủy sản, 100% phụ phẩm của công nghiệp chế biến nông sản được tái sử dụng cho sản xuất tuần hoàn.

Giá trị lĩnh vực kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tăng bình quân 10%/năm. Giá trị các mô hình, dự án sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn tăng ít nhất 20%. Xây dựng các chu trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn khép kín, không phụ phẩm, không chất thải bao gồm: tuần hoàn chất dinh dưỡng, tuần hoàn chất hữu cơ, tuần hoàn nước, tuần hoàn năng lượng và tuần hoàn vật liệu nhựa.

Phấn đấu 50% các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản được tiếp cận và ứng dụng các công nghệ, quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại nông lâm thủy sản, hợp tác xã, trang trại ứng dụng các mô hình sản xuất tuần hoàn đạt 25%.

Ít nhất 50% nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc các chương trình khoa học và công nghệ các cấp từ trung ương đến địa phương được đầu tư nghiên cứu phát triển các công nghệ, quy trình sản xuất nông, lâm, thuỷ sản phải đáp ứng các tiêu chí giúp giảm đầu vào, tái sử dụng phụ phẩm, phát thải thấp và bền vững với môi trường.

 

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một vấn đề quan trọng và được coi như một giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, giảm phát thải nhà kính và bảo vệ môi trường. Mục tiêu Dự thảo đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn 2023 - 2030”, phấn đấu đến năm 2030 trong lĩnh vực trồng trọt sẽ có 60% phụ phẩm được xử lý, 80% phụ phẩm lúa gạo được thu gom và tái sử dụng. Trong chăn nuôi có 60% nông hộ và các trang trại xử lý chất thải; hoàn thiện và áp dụng các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái sử dụng các phụ phẩm của các mặt hàng nông sản chủ lực…

 

trinh12345678

 Hội thảo lấy ý kiến

Thực tế hiện nay, nhiều loại mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được áp dụng trên nhiều quy mô và lĩnh vực khác nhau. Điển hình Mô hình canh tác lúa sử dụng trấu làm chất đốt-củi trấu tại xã Vĩnh Bình, An Giang, với công suất 80.000 tấn/năm tạo ra 16.000 tấn trấu (lượng trấu sử dụng vào việc sấy lúa cho nhà máy chiếm khoảng 50% (8.000 tấn trấu) và phần còn lại sẽ được chế biến thành thanh củi trấu bán ra thị trường). Mô hình giúp cắt giảm khí nhà kính (CO2), giảm chi phí năng lượng 30%, tăng lợi nhuận 400.000 đồng/tấn từ việc bán củi trấu tương đương 3,2 tỷ đồng/năm. Mô hình tuần hoàn lấy phụ phẩm trồng trọt sử dụng rơm rạ để trồng nấm rơm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Nhiều hộ dân có thể vùi rơm vào đất để lưu giữ nguồn phân bón cho vụ sau, hoặc dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ để tăng vi sinh vật hữu cơ giúp cải tạo đất; rơm rạ làm thức ăn cho gia súc. Thực tế cho thấy, lượng rơm rạ từ một ha trồng lúa có thể tạo trồng được 250 - 300kg nấm tươi. Với giá bán từ 25.000-27.000 đồng/kg nấm tươi, một ha trong mô hình này, ngoài tiền lúa, người nông dân có thể thu được từ 6 - 8 triệu đồng.

Mô hình tiết chế hóa gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi để không tác động xấu đến môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các biện pháp thay thế như: Bao trái ở cây ăn quả; tìm giống kháng rầy, kháng sâu ở lúa và hoa màu; sử dụng các loại phân vi sinh bón cho cây rau quả củ thay vì phân hóa học…

Mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản (mô hình VAC, lúa-tôm, lúa-cá…), mô hình nông - lâm kết hợp, mô hình vườn - rừng. Mô hình Vườn – Ao - Chuồng -Biogas (VACB); Vườn - Ao - Chuồng - Rừng (VACR) ở các tỉnh miền núi; Vườn – Ao - Hồ (VAH) ở các tỉnh miền Trung. Thực hiện mô hình nông nghiệp này vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính…

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ: Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chúng ta mới chỉ chú trọng đến tăng năng suất, chưa quan tâm đến lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất, chưa quan tâm đến phân bón hữu cơ để bồi dưỡng, tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học. Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và gia tăng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường. Trong nông nghiệp, với một số lĩnh vực chủ đạo như trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng ngàn tấn chất thải hữu cơ, là nguồn tài nguyên tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này chưa được quan tâm tái sử dụng hiệu quả và đúng mục đích, mang lại giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp”.

Dự thảo đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn 2023 - 2030” đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các địa phương, đại diện hội và hiệp hội, cũng như các viện, trường... Góp ý tại hội thảo, đa số đại biểu góp ý Bộ NN&PTNT cần cụ thể hóa các mục tiêu, khung đánh giá từ thực tiễn nông nghiệp Việt Nam.

Nhật Anh