00:00 Số lượt truy cập: 2661597

Luồng gió mới cho người trồng cây thanh long huyện Châu Thành tỉnh Long An. 

Được đăng : 17/01/2023

z404704815392393a7b534dde1119921c364dda3549f98 

Chuyên gia đang trao đổi kỹ thuật giúp nâng cao chất lượng thanh long

Dự án Tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam do tổ chức Y tế Hà Lan Việt Nam ( MCNV) tài trợ cho Hội Nông dân Việt Nam thực hiện tại 4 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bến Tre và Bình Thuận. Huyện Châu Thành tỉnh Long An được chọn là nơi xây dựng mô hình điểm để thực hiện việc trồng cây thanh long theo hướng sản xuất tiên tiến, đảm bảo chất lượng nhằm đáp ứng được những nhu cầu chất lượng cao của thị trường trong nước, thị trường Châu Âu và các nước phát triển khác.

Qua một năm thực hiện dự án, sự khác biệt trong phương thức sản xuất đã được nông dân vùng dự án đón nhận tích cực. Các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho nông dân luôn bám sát với nhu cầu sản xuất thực tế như kiến thức về dinh dưỡng cho cây trồng, cách sử dụng phân bón, cách tưới tiêu và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn cho người sử dụng và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Nếu như trước đây người sản xuất chỉ biết trồng và chăm sóc cây thanh long theo cảm tính hoặc khuyến cáo của các đơn vị cung cấp phân bón cho một diện tích thanh long thì nay người nông dân đã có được kiến thức về đất đai, dinh dưỡng của đất và nguồn thức ăn cần, đủ cho cây trồng. Là những nông dân nòng cốt của dự án tại huyện Châu Thành, 25 nông dân trồng thanh long rất nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn kiến thức do dự án tổ chức với sự tham gia của các đối tác như Eurofins, Yara, Bayer và Khang thịnh. Ông Nguyễn Thanh Phương – xã Lục Long cho biết: “Trước đây chúng tôi dùng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, cứ 10 ngày phun một lần. Dùng nhiều loại thuốc khác nhau, nói chung cứ nghe ai mách gì xử lý được sâu bọ cho cây là chúng tôi mua dùng”.

Cũng chung phương pháp như vậy ông Nguyễn Minh Tòng chia sẻ: “May mắn quá, chúng tôi được tham gia dự án. Qua những lớp tập huấn chúng tôi được mở mang kiến thức. Các chuyên gia hướng dẫn phân tích dễ hiểu. Chúng tôi biết cách pha chế đúng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật, bón lượng phân phù hợp với đất và cây trồng. Giúp chúng tôi tiết kiệm được nhiều chi phí đầu vào sản xuất. Qua tập huấn chúng tôi thấy việc phân tích đất thực sự rất hữu ích cho nông dân chúng tôi. Nhờ có dự án mà chúng tôi biết ghi chép lịch sử sản xuất để làm cơ sở chứng minh sản phẩm được sản xuất theo một quy trình đảm bảo cho cả người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường”.

Từ những kiến thức thu được qua 1 năm tham gia dự án, nhóm nông dân trồng thanh long huyện Châu Thành đã đưa ra một số đề xuất: Cần có sự hỗ trợ của các cán bộ kỹ thuật thường xuyên hơn; Công ty cung cấp phân bón nên có những sản phẩm mẫu để cho bà con dùng thử và có sự đối chiếu khi đưa loại phân bón mới vào sản xuất; Kết nối giúp bà con tìm được thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay kế hoạch tập huấn tiếp tục nâng cao kiến thức phục vụ sản xuất đã xây dựng xong. Từ những tín hiệu đáng mừng của năm đầu, hy vọng luồng gió mới đến từ những hoạt động thiệt thực, sát với nhu cầu của người trồng thanh long sẽ tiếp tục lan tỏa tới nhiều người sản xuất trên địa bàn. Góp phần giúp người dân ổn định sản xuất, cho ra những sản phẩm chất lượng hướng tới xuất khẩu vào những thị trường cao cấp như Châu Âu, Mỹ. Từ đó, nâng cao vị thế trái cây Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Đồng thời, giúp người nông dân có thu nhập cao hơn, cuộc sống sung túc hơn góp phần  xây dựng nông thôn Việt Nam ngày càng xanh, sạch đẹp, văn minh và hiện đại.

 

                                                                      Hương Giang