03/11/2016
Sốt ban sởi

Theo Tây y, bệnh thường xảy ra vào mùa xuân và đầu mùa hạ ở trẻ sơ sinh đến 10 tuổi. Ở thể thông thường, ủ bệnh trong 7-20 ngày, trung bình 11-12 ngày, trẻ có thể sốt nhẹ rồi tự khỏi, sau đó 3-4 ngày bắt đầu sốt cao hơn ở 37o5 - 39o5 với các biểu hiện rất đặc trưng ở mắt, mũi, miệng. Mắt đỏ, ngứa, xung huyết, chảy nước mắt, đổ ghèn, sưng phù màng tiếp hợp, sưng giác mạc, sưng mí mắt, sợ ánh sáng. Mũi hắt hơi, sổ mũi đặc dần thành mủ, ngứa, chảy máu cam. Miệng ho từng cơn, khan tiếng, thở rít, nghẹt thở, trong má - môi - lợi xuất hiện các nốt trắng nhỏ, nhức đầu ở vùng trán, mê hoảng từng lúc. Sốt bỗng cao hơn đến 40oC, ho liên tục, mê hoảng, rồi nhiều nốt sởi đỏ xuất hiện ở chân tóc, sau tai lan ra trước mặt, tràn xuống ngực, bụng và nổi dát sẩn toàn thân sần sùi kéo dài trong 7 ngày. Bệnh nhẹ thì sởi bay hết dần chỉ để lại những chấm, trắng như rắc phấn trên da.

Đáng ngại nhất là thể ban sởi ác tính ở trẻ có biểu hiện ban đầu khá nặng rồi chuyển dần thành nguy kịch. Sởi mọc ít, trẻ ngạt thở, thở gấp, biến chứng phù phổi cấp hay viêm phổi, tỷ lệ tử vong rất cao 50-70% trường hợp. Thể sởi xuất huyết da từng đám tím bầm, chảy máu mũi, ho ra máu, nôn ra máu, sốt rất cao, trẻ suy kiệt mà chết. Thể sởi có biến chứng tiêu hóa, ỉa chảy nặng, sốt cao 40-41oC, mạch rất nhanh, mặt xám chì, kiệt nước gây hôn mê, liệt vận động, trụy tim mạch, tử vong nhanh trong vòng vài giờ đến 3-4 ngày, thể sởi bội nhiễm tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn… gây viêm thanh quản, viêm phổi, khó thở nhiều về ban đêm, da tím tái, loét trong miệng, lở loét ngoài da, loét giác mạc mắt, viêm tai giữa dẫn đến viêm xương chũm, viêm màng não, viêm não, viêm tủy… thường gây tử vong cao – 10-20% bệnh nhân.

Bệnh cảnh ban đầu dễ nhầm với cảm cúm, chữa trị lơ là làm bệnh nặng thêm, dễ xảy ra sốt co giật ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ… Trường hợp người mẹ mang thai 3 tháng mắc ban sởi thì đứa trẻ sinh ra sẽ mù, điếc, ngu đần, có bệnh tim mạch, có thể nên loại bỏ sớm bào thai bệnh tật đó.

* Phòng bệnh

- Cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tránh suy giảm sức đề kháng dễ nhiễm bệnh. Cuối mùa đông, nên cho trẻ tiêm phòng vaccin ngừa ban sởi.

- Thường cho trẻ ăn các thức ăn ngừa độc, giải nhiệt, tiêu phù, ngừa mụn lở, ban sởi: rau diếp cá, củ sắn dây, lá dâu non, rau ngót, rau dừa nước, mướp…

- Kinh nghiệm dân gian phòng ngừa ban sởi rất đơn giản và hiệu nghiệm: lá khế và lá chùm ruột nắm to - rửa sạch, nấu nước tắm; hạt rau mùi 50g - giã nhỏ, nấu nước tắm; 1 lần/ngày, 2-3 lần/tuần.

- Khi ngờ trẻ có những dấu hiệu ban đầu của bệnh sởi, hãy tắm ngay cho trẻ bằng những loại thảo dược nói trên, kết hợp cho uống: cỏ mực 50g, sài đất 50g, kinh giới 30g - sắc, chia 3 lần uống/ngày. Chữa sớm thì ban sởi không xảy ra do virus bị ức chế, chữa kịp thời thì ban sởi mau mọc rộ và mau bay hết, tiêu độc, không có sốt cao co giật và các biến chứng nguy hiểm.

* Chữa sốt ban sởi:

- Diếp cá (khô) 20g, rau dệu 20g, lá đậu cọc rào 10g, cam thảo đất 10g - rửa sạch, sắc, chia 2-3 lần uống/ngày.

- Lá tre 30g, sa sâm 16g, kim ngân hoa 20g, sài đất 20g, mạch môn 12g, sắn dây 20g, cam thảo đất 10g - sắc, chia 3-4 lần uống/ngày.

- Lá liễu 50g, rễ cỏ tranh 50g - sắc, chia 3-4 lần uống/ngày.

Kết hợp xoa rượu mùi: hạt rau mùi 50g - giã nhỏ, sắc với 150ml, bỏ bã, gia 50ml rượu trắng 30o, tẩm bông xoa khắp người trẻ.

- Chữa ban sởi sốt cao, hôn mê, đau mắt, sổ mũi, ho, dát sẩn: hoàng liên 12g, dã hóc 8g, bách hợp 12g, huyền sâm 12g, thổ phục linh 20g, hy thiên 12g, ma hoàng 8g, sài hồ 12g, cát căn 20g, đương quy 12g, xuyên khung 8g, quán chúng 8g, sơn tra 12g, kim ngân 12g - tán bột, dùng 8g/lần, hãm nước sôi, gạn nước thuốc cho uống, 3-5 lần/ngày.

- Thời kỳ sởi bay: sa sâm 12g, hạt sen 8g, mạch môn 12g, lá dâu 20g, cát cánh 8g, thạch hộc 8g, thiên hoa phấn 12g, quán chúng 8g, cam thảo dây 10g – sắc – chia 3 lần uống/ngày./.

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 657