01/01/1970
Kon Tum ứng dụng công nghệ cao phất triển nông nghiệp bền vững

trong-xa-lach
Trồng xà lách thủy canh tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Kon Plông

Ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền các địa phương và các Sở, ban ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU. Nhờ đó tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp có những chuyển biến tích cực, phát triển vững chắc, phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 vùng nông nghiệp dụng công nghệ cao với tổng diện tích 2.942ha, diện tích các loại cây trồng sản xuất có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đạt hơn 16.192ha, các sản phẩm trồng trọt đạt năng suất, chất lượng cao, dần tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích các loại cây trồng sản xuất có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ là 16.192,92ha với các sản phẩm cà-phê, các loại rau, cây ăn quả .... Áp dụng mô hình nông nghiệp kết hợp phục vụ du lịch, những nhà vườn tại khu công nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen đang trở thành mô hình thí điểm thành công trong việc thay đổi cách canh tác nông nghiệp truyền thống lâu nay của người dân bản địa.

Chính quyền các cấp và ngành chức năng quan tâm hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, trồng trọt và đem lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Bên cạnh thí điểm các mô hình cây trồng hữu cơ để nhân rộng kết hợp đào tạo, cầm tay chỉ việc cho nông dân tại chỗ, chính quyền tỉnh Kon Tum đã mạnh dạn giao đất đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều ứng dụng công nghệ đã được đưa vào sử dụng và vận hành như công nghệ tự động, bán tự động trong tưới nước, bón phân, máy bay không người lái trong chăm sóc, quản lý; công nghệ sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, công nghệ nhà màng, nhà kính; công nghệ sinh học trong việc sử dụng các chế phẩm vi sinh sản xuất phân bón, quản lý dịch hại cây trồng; công nghệ tự động hóa trong trồng, chăm sóc; công nghệ thông minh IOT trong sản xuất… Các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh theo xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng: VietGAP, hữu cơ, Global GAP, UTZ, Fairtrade Certificate... diện tích áp dụng theo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đạt gần 800ha.

Tỉnh Kon Tum đang định hình các vùng chuyên canh sản xuất như cà phê xứ lạnh, hoa quả được trồng theo hướng hàng hóa lớn hướng tới xuất khẩu. Địa phương này cũng đang xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn mác xuất xứ hàng hóa để tăng giá trị so với sản phẩm nông nghiệp thuần túy, từ đó hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh đã cấp được 20 mã số vùng trồng cây ăn quả với tổng diện tích 346,21ha và 2 mã số cơ sở đóng gói, cụ thể 6 mã số vùng trồng chuối với diện tích hơn 95ha; 6 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 89,5ha; 3 mã số vùng trồng mít thái với diện tích 103ha; 2 mã số vùng trồng chanh leo diện tích 25,7ha; 1 mã số vùng trồng dứa với diện tích 12ha; 1 mã số vùng trồng cây mắc ca với diện tích 10ha và 1 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích; 2 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Hiện nay đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật xem xét, đàm phán với nước nhập khẩu cấp mã số cho 9 mã số vùng trồng sầu riêng, với diện tích 194ha.

Tại tỉnh Kon Tum, huyện Kon Plông và thành phố Kon Tum đang được chọn là vùng kinh tế động lực với kỳ vọng trở thành đầu tàu trong tận dụng tài nguyên phát triển bền vững nền nông nghiệp nhờ ứng dụng các mô hình công nghệ cao, thay đổi cách làm truyền thống của người dân.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ các công nghệ tiên tiến trên thế giới vào lĩnh vực nông nghiệp. Dự án trồng cây ăn quả (mít thái, sầu riêng) ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của Công ty TNHH sản xuất, chế biến Nông lâm sản Nghĩa Phát đã trồng khoảng 270ha sầu riêng xen Mít thái, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng chi phí đến nay khoảng 300 tỷ đồng.

Đến năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum sẽ cùng các sở ngành, địa phương quyết tâm phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao chiếm 20-25% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2030, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao chiếm 25-30% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh có 10 vùng nông nghiệp, 15 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao, 10 cơ sở chế biến sâu có sức cạnh tranh cao. Ngành kinh tế nông nghiệp hàng hóa của tỉnh có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020.

Để có thể thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên, đòi hỏi trong thời gian tới, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, địa phương, và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh; từ đó xây dựng nền nông nghiệp tỉnh nhà dần từng bước hiện đại theo hướng sạch, xanh và bền vững.

Bình Nguyên

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 103