00:00 Số lượt truy cập: 2661802

Phòng trừ sâu đục thân cói 

Được đăng : 04/07/2019

 

Hỏi: Đề nghị Ban Biên tập cho biết cách phòng, trừ sâu đục thân cói hiệu quả nhất, Ông Thanh ở Kim Sơn, Ninh Bình?

Đáp:

1. Đặc điểm hình thái

Sâu đục thân cói thuộc họ ngài cuốn lá - Tortricidae, bộ cánh vảy - Lepidoptera. Trưởng thành có màu xám bạc và có chiều dài cơ thể 10,7 ± 0,15 mm, vũ hóa vào buổi tối, hướng ánh sáng mạnh, giao phối vào ban đêm, đẻ trứng sau vũ hóa một ngày.

Trứng đẻ thành ổ (từ 2 cho tới 20 quả/ổ) xung quanh gốc và bẹ lá cói cách mặt đất 10 - 20 cm, kể cả trên gân chính của lá cói, sau thu hoạch cói, trưởng thành đẻ trứng cả lên bề mặt các lớp bổi cói. Trứng hình bầu dục, dài 1,2 ± 0,02 mm, rộng 0,8 mm.

Sâu non mới nở đầu màu đen, toàn thân màu ngà vàng, dài 2,25 ± 0,15 mm, rộng 0,19 ± 0,27 mm, sâu non đẫy sức có màu trắng sữa dài 16,7 ± 0,06 mm, rộng 2,03 ± 0,01 mm.

Mới hóa nhộng có màu trắng hoặc xanh lơ, sau chuyển hơi vàng, chuẩn bị vũ hóa có màu nâu vàng, phần đầu cánh có màu nâu đen, nhộng có hai màu mắt đen và đỏ.

2. Đặc điểm sinh sống và tập tính gây hại của sâu đục thân cói

Trưởng thành sâu đục thân cói ban ngày ẩn nấp trong các ruộng cói xanh tốt, buổi tối bay ra hoạt động giao phối và đẻ trứng. Những ruộng cói thu hoạch sớm các vụ, chỉ sau 5-15 ngày là nơi ưa thích cho bướm sâu đục thân đẻ trứng với mật độ cao, mật độ trứng lên tới 50-60 quả/gốc các mầm cói.

Sâu non mới nở bò rất nhanh và chỉ trong khoảng 5-7 phút chúng đã chui vào bẹ lá. Từ bẹ lá, chúng chui vào thân cói thông qua vị trí tiếp xúc giữa củ và thân là nơi xung yếu nhất của cây để đục thành các đường xoáy vòng quanh gốc cây cói như vết dao tiện cách củ cói khoảng 3cm làm đứt các mạch dẫn dinh dưỡng của cây. Khoảng 3-4 ngày sau khi sâu đục, cây cói có biểu hiện héo xanh. Khi cây cói chết, sâu non tiếp tục đục sang cây cói khác cho đến khi hoàn thành vòng đời của mình.

Ngoài cây cói, sâu đục thân còn có một số ký chủ khác như lúa, ngô và cỏ lồng vực.

3. Đặc điểm sinh học của sâu đục thân cói

-                        Thời gian các pha phát dục của sâu đục thân cói

Sâu đục thân cói có 4 giai đoạn phát dục là trứng, sâu non, nhộng và trưởng thành. Trong điều kiện nhiệt độ 28,74-29,48oC và ẩm độ 70-73%, thời gian trứng nở trung bình từ 3,41-3,78 ngày. Sâu non có 5 tuổi. Thời gian hoàn thành các tuổi chênh lệch nhau không nhiều. Bình quân thời gian sâu non sâu đục thân kéo dài 26,64-26,99 ngày. Thời gian nhộng 7,15-7,41 ngày. Sau vũ hóa 1 ngày bướm đục thân giao phối và đẻ trứng ngay.

-                        Vòng đời và khả năng sinh sản của sâu đục thân cói

Vòng đời sâu đục thân cói kéo dài từ 35,17 ± 0,75 ngày đến 37,63± 0,655 ngày, thời gian sống của trưởng thành ngắn bình quân 7,42 đến 7,97 ngày. Trung bình một trưởng thánh cái có thể đẻ 90,36 quả, nhiều nhất là 199 và ít nhất là 15 quả với tỷ lệ trứng nở là trên 90%. Thời gian bướm đẻ trứng bình quân là 3,68 ngày. Tuy nhiên bướm sâu đục thân cái được vũ hóa từ nhộng qua đông có khả năng đẻ trứng nhiều hơn.

4. Diễn biến sâu đục thân ngoài đồng ruộng

Sâu đục thân cói có 4 đinh cao sâu non vào cuối tháng 5 đầu tháng 6, tháng 7 với mật độ đạt 15 con/m2 và đỉnh cao phụ vào tháng 8 và tháng 10. Từ tháng 11 trở đi, mật độ sâu đục thân giảm nhanh do thu hoạch cói và cây cói trổ hoa, cây cứng. Mặt khác nhiệt độ môi trường giảm xuống không phù hợp cho sâu non mởi nở đục vào thân cây. Từ trung tuần tháng 11 đến cuối tháng 12, sâu đục thân hầu hết ở giai đoạn tuổi 4,5 và nhộng. Như vậy sâu đục thân cói cũng tồn tại và qua đông chủ yếu ở  giai đoạn nhộng. Giống cói gốc dẹt và gốc tròn đều bị sâu đục thân hại nặng.

5. Phòng trừ sâu đục thân

Sâu đục thân cói có mặt quanh năm trên ruộng cói và không hình thành lứa một cách rõ rệt nên phòng trừ chúng gặp nhiều khó khăn. Có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vệt như Vithadan, Regent, Siêu sao, Virtako và Marshal đều có hiệu quả trừ sâu đục thân cói cao trên 70%. Cùng với đó, biện pháp vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy (đốt) bổi cói sau thu hoạch rất cần thiết để diệt nhộng sâu đục thân./.

B. Liên