Tưởng chừng trên mảnh đất cằn cỗi sỏi đá sẽ không cây gì sống được, vậy mà có đôi vợ chồng già đã biến nó thành một trang trại... trong mơ.
70 tuổi vẫn hăng hái làm kinh tế
Đến xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ - Nghệ An) hỏi nhà ông Nguyễn Thành Sinh và bà Trần Thị Bàng, ai cũng biết. Họ biết không chỉ bởi mô hình kinh tế ông bà đang thực hiện mà còn bởi ý chí và nghị lực của ông bà khi “bắt” sỏi đá cho hoa trái xanh tươi.
Ông Sinh quê ở ngoài Bắc, nhập ngũ năm 1967, đến năm 1975 xuất ngũ, kết duyên cùng bà Bàng, quê ở Nghệ An, rồi duyên cơ lập nghiệp đã đưa họ đến với mảnh đất Nghĩa Bình. Trải qua mấy chục năm quần quật làm ăn để nuôi 6 người con khôn lớn, khi đã đến tuổi hưởng an nhàn, ông bà quyết định vào rừng khai hoang làm kinh tế. Ông Sinh kể: “Ngày trước, gia đình tôi sống ở gần trung tâm xã. Đến năm 2004, khi đã lo cho các con lập gia đình và ở riêng, tôi quyết định vào rừng lập nghiệp dù các con đứa nào cũng cản”.
“Ngày đó tôi là người đầu tiên vào đây lập nghiệp, nhìn thấy khu đất chỉ toàn sim, mua cũng ngán. Vốn liếng không nhiều, hai vợ chồng đành khai hoang, cải tạo để trồng cây ăn quả”, ông kể tiếp.
Trở thành mô hình điểm
Với diện tích khoảng 2 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2), ông đã chia trang trại thành từng lô để đào ao, trồng các loại cây thích hợp. Khu đất thấp nhất, ông đào hai ao nuôi cá rộng chừng 2.000m2, bình quân mỗi năm cho thu hoạch khoảng 1 tấn cá.
Ông thường xuyên nuôi 400 con gà, chủ yếu là thả vườn nên rất được giá. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả, ông Sinh cho biết: “Nếu tính đất trồng cây ăn quả thì có khoảng 1 mẫu, nhiều nhất là măng Lục trúc với khoảng 1.000 gốc. Sở dĩ tôi chọn trồng măng bởi cây không tốn công chăm sóc, đến mùa thu hoạch, thương lái tìm tới tận nơi mua hàng”. Như vậy, chỉ tính riêng tiền bán măng ông cũng thu được hàng chục triệu đồng/năm. Hơn 200 gốc vải đã cho thu hoạch, thu về khoảng 8 triệu đồng.
Bên cạnh việc nuôi cá, gà và trồng cây ăn quả, nghề nuôi ong cũng mang lại cho ông Sinh thu nhập đáng kể. Nghề này đến với ông Sinh từ năm 2007 khi ông tham gia lớp học nuôi ong do Hội Làm vườn xã Nghĩa Bình tổ chức. Từ 1 tổ ong, hiện trong khuôn viên vườn nhà ông Sinh có gần 50 tổ ong phát triển ổn định. Năm 2010 ông thu 4 tạ mật, bỏ túi hơn 30 triệu đồng. Không chỉ nuôi ong lấy mật, ông còn nhân ong giống để bán. Nhiều người được ông Sinh hướng dẫn, cung cấp ong giống cũng đã có thu nhập ổn định.
Khi hỏi về bí quyết làm kinh tế, ông Sinh chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là phải quyết tâm, dám nghĩ, dám làm; chú trọng khâu giống và cách chăm sóc”.
Ông Phan Xuân Tích, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Nghĩa Bình cho biết: “Mô hình của ông Sinh là điển hình để Hội Làm vườn xã phổ biến, giới thiệu cho bà con trong xã học tập, nghiên cứu”.
Tiếng lành đồn xa, mô hình kinh tế hiệu quả của gia đình ông Sinh đã trở thành địa chỉ tham quan của nhiều nông dân trong, ngoài xã.