00:00 Số lượt truy cập: 2662845

An Giang: Nông dân Châu Thành ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất 

Được đăng : 03/11/2016

Khi các phương tiện thông tin phát triển, bên cạnh tìm tòi, nghiên cứu cách làm hay, hiệu quả, nông dân huyện Châu Thành (An Giang) còn tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Qua đó, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân…


Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành Huỳnh Tấn Đấu cho biết, hàng năm, Hội Nông dân các cấp đều có kế hoạch phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, như: Kỹ thuật sản xuất lúa theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và chăn nuôi bò, heo, thủy sản... Bên cạnh đó, không ít nông dân tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới thông qua báo, đài hoặc học tập kinh nghiệm thực tế, nhằm cải thiện năng suất và sản lượng, giảm chi phí đầu tư, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nhiều nông dân đã mạnh dạn nuôi trồng thử nghiệm, phát triển mô hình sản xuất mới, phá vỡ thế độc canh của các cây, con truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế cao được địa phương duy trì và nhân rộng, như: Sản xuất và tiêu thụ nông sản, trồng cỏ nuôi bò vỗ béo; sản xuất lúa giống, dịch vụ nông nghiệp; trồng nấm bào ngư, hoa, rau an toàn; nuôi rắn ri voi, ba ba, bò vỗ béo, lươn giống…

Nuôi lươn giống mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Châu Thành là huyện thuần nông nên việc sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất lúa giống được xem là thế mạnh của nông dân địa phương. Hầu hết các tổ hợp tác sản xuất lúa giống đều sản xuất theo hợp đồng với các công ty cung ứng lúa giống. Bên cạnh được công ty cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ kỹ thuật, nông dân còn được bao tiêu sản phẩm đầu ra, với giá cao hơn giá lúa thị trường từ 1.000 – 1.200 đồng/kg cùng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác. Qua đó, lợi nhuận tăng từ 1,3 – 1,5 lần so với sản xuất lúa hàng hóa. Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa giống An Thành (ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Nhuận) Nguyễn Thiện Thảo cho biết: “Sau khi được tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa giống cộng với kinh nghiệm tích lũy, tôi mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa hàng hóa sang trồng lúa giống. Làm lúa giống năng suất cao, hạt lúa sáng chắc, giá cả ổn định, lợi nhuận cao hơn lúa hàng hóa”.

Xã An Hòa là một trong những địa phương được huyện quy hoạch là vùng trồng nấm ăn, nấm bào ngư theo hướng công nghệ cao. Vì thế, nông dân xã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển các sản phẩm thế mạnh này. Ông Nguyễn Văn Xinh (ngụ ấp Bình An 1, xã An Hòa) chia sẻ: “Trồng nấm bào ngư không có gì khó, nhẹ công chăm sóc, ít tốn chi phí đầu tư mà hiệu quả kinh tế khá cao. Ngoài việc được hỗ trợ vốn, tôi được cán bộ chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật về cách chăm sóc nấm bảo đảm chất lượng, vừa giảm chi phí đầu tư và vừa tăng năng suất. Nếu tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, chắc chắn mô hình này còn phát triển hơn nữa”.

Thời gian gần đây, nhờ ngành chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn giống cho sinh sản nhân tạo nên mô hình sản xuất lươn giống phát triển khá mạnh mẽ trên địa bàn huyện Châu Thành. Ông Nguyễn Văn Đường (ngụ ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình) cho biết: Sau khi tham gia khóa học nuôi lươn sinh sản nhân tạo, ông ứng dụng nuôi thử vài bồn (21m2) và cho kết quả rất khả quan nên gia đình ông mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn cho các nông dân khác phát triển mô hình này. Hiện nay, với giá lươn giống từ 3.000 – 3.500 đồng/con, gia đình ông thu lãi gần 150 triệu đồng/năm từ 22 bồn lươn giống.

TRUNG HIẾU