00:00 Số lượt truy cập: 3226354

Quảng Ninh phát triển kinh tế tập thể trong chuyển đổi số 

Được đăng : 07/05/2025

Những năm qua, với nhiều giải pháp đồng bộ,tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể (KTTT) với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX). Thông qua các mô hình KTTT đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp, thị trường, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Những nỗ lực này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện.

Quảng Ninh là một trong những địa phương có HTX thành lập mới hằng năm cao nhất nước. Từ năm 2020 đến nay toàn tỉnh có 538 HTX được thành lập mới (trung bình 134 HTX thành lập/năm), nâng tổng số 1.087 HTX toàn tỉnh, đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng HTX, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 768 HTX, chiếm 70,65%, 2 liên hiệp HTX. Các HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang ngày càng phát triển theo chiều sâu, năng động và bền vững, với nhiều mô hình hợp tác, liên kết hiệu quả. Tổng số vốn huy động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX lên đến hơn 3.500 tỷ đồng, đóng góp 1,2% vào tổng GRDP của tỉnh. Cùng với đó, các HTX tạo ra việc làm cho khoảng 75.000 lao động, chiếm 10,9% lực lượng lao động toàn tỉnh, đồng thời thúc đẩy việc chuyển đổi nông nghiệp truyền thống sang mô hình sản xuất hiện đại.

Quảng Ninh với nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả

Xác định tầm quan trọng của KTTT, tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển. Theo đó, tỉnh ưu tiên dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn hợp pháp, chính đáng của các HTX; thực hiện đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để phục vụ phát triển HTX... Đặc biệt, Quảng Ninh đang là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm được sản xuất bởi các HTX.

 UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch 247/KH –UBND về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025. Kế hoạch này nhằm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Tỉnh phấn đấu thành lập mới 60 HTX trong năm 2025, nhằm tăng cường sự đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào nền kinh tế tỉnh.

19
Cam Vạn Yên của HTX Cam 10-10có màu vàng ươm, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa thích.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của HTX, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Nổi bật là Nghị quyết 155/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Trong tiến trình xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, tỉnh xác định HTX là mô hình tổ chức kinh tế tập thể có vai trò trung tâm, đóng góp thiết thực vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu. Tỉnh tiếp tục ưu tiên tập trung mọi nguồn lực, thực hiện quyết liệt, đồng bộ một số giải pháp, như xây dựng, hoàn thiện, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tầm nhìn dài hạn để kinh tế tư nhân, HTX phát triển nhanh, bền vững dựa trên chính sách riêng, đột phá của tỉnh.

Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai các cơ chế đặc thù cho HTX, xây dựng và phát triển một số nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX về chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng số cho thành viên và người lao động trong HTX có trình độ thực tiễn sản xuất, thực tiễn của thị trường; phát triển hệ thống các sản phẩm OCOP.

Điều này đặc biệt rõ nét trong các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và nông sản hữu cơ. Nhiều HTX đã đi đầu trong việc xây dựng các mô hình sản xuất có giá trị gia tăng cao, từ việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đến việc phát triển sản phẩm đặc trưng của Quảng Ninh, như gà bản Đầm Hà hay các sản phẩm OCOP mang đậm bản sắc địa phương.

HTX không chỉ đóng góp vào nền kinh tế tỉnh mà còn góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Các HTX giúp nông dân nâng cao thu nhập, thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo ra diện mạo mới cho các vùng nông thôn

Hiệu quả từ chính sách

Tổ hợp tác trồng cây dược liệu Kim Sơn (TX Đông Triều) được thành lập từ đầu năm 2023, trên cơ sở phát triển mô hình trồng cây Cát Sâm, do anh Trịnh Xuân Dương khởi xướng, và 54 thành viên khác góp vốn; HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Dương, TX Đông Triều thực hiện ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Đơn vị này trồng ớt Hàn Quốc, ngô ngọt, nuôi cá, ếch, lươn trong bể bạt không bùn... Đây là những mô hình HTX tiêu biểu được Hội Nông dân thị xã Đông Triều hỗ trợ, hướng dẫn và được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi từ Hội nông dân.

Các mô hình kinh tế tập thể do tổ chức HND tư vấn, hướng dẫn thành lập, hỗ trợ, định hướng hoạt động cơ bản hoạt động có chất lượng, hiệu quả, các thành viên liên kết chặt chẽ trong sản xuất, giúp nhau về kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn. Nhiều HTX, tổ hợp tác xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất và đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tạo việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân.

Tiêu biểu như sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui là sản phẩm OCOP đặc trưng của HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tiến (huyện Tiên Yên). Với chất lượng đạt chuẩn 4 sao, sản phẩm đã được dán tem nhận diện thương hiệu và mã vạch truy xuất nguồn gốc. HTX này đã được bình chọn là 1 trong 63 HTX tiêu biểu trên toàn quốc, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương năm 2023.

Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến, ông Vũ Tuấn Anh cho biết: “Từ khi áp dụng công nghệ thông tin bán hàng trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội đã giúp tăng sản lượng bán ra thị trường lên nhiều lần, việc bán hàng cũng thuận lợi và dễ dàng hơn. Trung bình mỗi ngày cơ sở xuất ra thị trường từ 12.000 đến 15.000 quả trứng vịt biển”.

HTX Cam 10-10 (xã Vạn Yên) hiện là vùng sản xuất cam tập trung lớn của huyện Vân Đồn. Với diện tích 35ha, sản lượng bình quân đạt 120 tấn/năm, đã giúp 23 xã viên có được thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống. Hiện toàn bộ diện tích trồng cam đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo được uy tín, chất lượng của sản phẩm khi tiêu thụ ra thị trường.

Được thành lập từ năm 2021, HTX Nông, lâm, ngư nghiệp Việt Hưng (TP Hạ Long) với các sản phẩm: Trà gạo lứt, ổi Hoành Bồ, đỗ đen, xạ đen, khâu nhục Sơn Dương… đã trở thành thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến. Từ chỗ chỉ có vài hộ liên kết, đến nay HTX đã liên kết với 65 hộ dân ở các xã vùng cao trên địa bàn TP Hạ Long. Hiện ổi Hoành Bồ, trà gạo lứt, đỗ đen, xạ đen là sản phẩm OCOP đạt 4 sao; khâu nhục Sơn Dương là sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2023, khâu nhục Sơn Dương đã được vinh danh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

Truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử

Theo thống kê mới nhất, Quảng Ninh đã có 432 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, với 5 sản phẩm 5 sao, 107 sản phẩm 4 sao và 320 sản phẩm 3 sao. Hiện nay, các sản phẩm từ 3 đến 5 sao của tỉnh được giới thiệu, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.Trên thực tế, nhiều HTX đã chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho nông sản, mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước, lên các sàn thương mại điện tử xuất khẩu ra nước ngoài.

Đến nay, tỉnh đã cấp gần 1.300 mã QR cho các sản phẩm nông nghiệp và quản lý 393 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. 100% sản phẩm này đều được đăng ký mã QR hoặc mã vạch trên hệ thống truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin về xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng có bước tiến lớn với sự ra đời của sàn thương mại điện tử (TMĐT) OCOP Quảng Ninh (http://ocopquangninh.com.vn). Ra mắt từ tháng 8/2023, sàn đã nhanh chóng trở thành kênh giao dịch quan trọng, giúp doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số trong nông nghiệp Quảng Ninh không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp mà còn góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững./.

             Phùng Hà