00:00 Số lượt truy cập: 2670148

Mô hình trồng na Thái trái vụ của nông dân Sơn La 

Được đăng : 10/03/2022

trongnathai316565193129361134139737

 Na Thái Lan có kích thước lớn gấp 3-4 lần na địa phương

Trước đây, với tập tính nông nghiệp canh tác theo kiểu truyền thống, cái đói cái nghèo đu bám bà con nông dân nơi đây với cây ngô, cây sắn trên nương và những bữa đói bữa no thất thường. Ăn bữa nay thì lo bữa mai, còn đâu hơi sức mà suy nghĩ đến cuộc sống khấm khá. Với gia đình bà Nguyễn Thị Mức tiểu Khu 1, Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) cũng không tránh được gia cảnh chung như vậy.

Cho đến khi được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành nhất là Hội Nông dân địa phương tuyên truyền, tạo điều kiện cho đi học hỏi, tham quan nhiều mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao, nhiều gia đình trong đó có gia đình bà Mức đã mạnh dạn chuyển sang tập trung các nguồn lực cho việc trồng na Thái trái vụ. Rồi từ đó, cuộc sống dần đi lên và có mức thu n hập hàng trăm triệu đồng từ cây na Thái trái vụ như ngày hôm nay.

Với vốn kiến thức nắm được qua những buổi tham quan, những lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây na Thái, cùng với phương châm vừa làm vừa học, vừa rút ra kinh nghiệm và bài học thực tế, gia đình bà Mức mạnh dạn chuyển đổi 3ha đất để trồng 600 gốc na. Việc chăm sóc đúng quy định, thực hiện khắt khe các bước, quy trình chăm bón khiến cho vườn na của gia đình bà đạt kết quả tốt. Cây na Thái thích hợp với thổ nhưỡng, kháng sâu bệnh tốt, trái to gấp 3-4 lần trái na địa phương, mẫu mà đẹp và kéo dài thời gian bảo quản. Sản phẩm na của gia đình bà được thương lái đến thu mua tận vườn. Một phần gia đình bà có hợp đồng bao tiêu với một số siêu thị, cửa hàng nông sản sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải phòng… "So với trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, trồng na Thái hiệu quả gấp nhiều lần. Giống na Thái có ưu điểm dễ trồng, mỗi quả nặng từ 0,7kg-1,2kg. Vườn na của gia đình tôi cho năng suất từ 6-7 tấn/ha, với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu về gần 400 triệu đồng" bà Mức cho hay.

Cũng theo bà Mức, na Thái dễ trồng, nhưng đòi hỏi phải chăm sóc đúng quy trình, cây mới mang lại hiệu quả. Giai đoạn na Thái ra quả non rất dễ bị bệnh và côn trùng tấn công nên phải phun thuốc trừ sâu bảo vệ. Song song đó, phải bón phân theo định kỳ để cây tốt sẽ kháng được sâu, bệnh. Trung bình mỗi năm na cho trái 2 vụ. Từ khi xử lý ra hoa đến thu hoạch là 5 tháng. Khi cây ra hoa, phải tiến hành thụ phấn. Ðến khi trái na to bằng cổ tay là tiến hành bao trái để hạn chế ruồi vàng đục trái. Một trong những điểm đặc biệt của cây na Thái là có thể chủ động được thời gian ra hoa, kết trái bằng việc cắt, tỉa cành, thúc đẩy cây ra hoa. Khi nụ hoa hé mở có màu trắng thì tiến hành thụ phấn nhân tạo cho hoa. Sau khi đậu quả cắt loại bỏ quả lép, méo mó, việc tạo ra na trái vụ sẽ bán được gia cao hơn.

Với nhiều ưu điểm như: thời gian trồng không quá dài, năng suất cao và ổn định, được thị trường ưa chuộng nên giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Thời gian tới, bà Mức sẽ vận động bà con, người thân mở rộng diện tích trồng mãng cầu na Thái, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cũng như tìm kiếm đầu ra cho loại cây trồng này.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết: Huyện Mai Sơn đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; từ đó xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân, trong đó đáng kể nhất là mô hình trồng cây ăn quả.

Mô hình trồng na Thái đã mở ra hướng đi mới để người dân chuyển đổi diện tích vườn tạp, vườn cây trồng kém hiệu quả. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân, cải thiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Ánh Dương