Thụy Hương là một xã thuần nông được chọn xã điểm xây dựng mô hình nông thôn mới, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chương trình gieo sạ lúa theo hàng bằng công cụ kéo tay ở vụ xuân trên toàn xã với quy mô 5 ha, năm 2008 anh Nguyễn Duy Miên đã thực hiện chương trình gieo sạ bằng công cụ giàn kéo tay trên diện tích 1.200 m2 trồng lúa của gia đình. Với việc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chăm sóc kịp thời nên năng suất đạt cao và tăng hơn so với lúa cấy 25 kg, năng suất đạt 240 kg/sào. Nhận thấy lợi ích của việc gieo sạ lúa theo hàng bằng công cụ giàn kéo tay tiết kiệm và giảm: giống (từ gieo từ 0,8 - 1kg/sào, lúa cấy gieo 2kg/sào), nilon che cho mạ, công lao động, thời gian sinh trưởng lúa từ 7 - 10 ngày, chi phí thuốc trừ sâu, đặc biệt cho năng suất cao hơn lúa cấy bằng tay nên anh Miên đã tích cực đến từng hộ gia đình trong xã tuyên truyền vận động và hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật gieo sạ lúa theo hàng bằng công cụ, từ khâu làm đất đến điều tiết nước đảm bảo gọn khu, gọn khoảnh cùng kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh giúp bà con tăng hiệu quả trong sản xuất lúa vụ mùa; cụ thể với 30 ha lúa trên toàn xã sản xuất gieo sạ lúa theo hàng bằng công cụ đã cho năng suất cao hơn lúa cấy từ 25 - 30 kg/sào.
Ở vụ xuân 2009, toàn xã Thụy Hương đã gieo được 70 ha, năng suất lúa ước đạt 235kg/sào/vụ, tăng so với lúa cấy là 20kg/sào. Trong vụ mùa 2009, đạt trên 90 ha gieo sạ lúa theo hàng, với 7 thôn trong xã tham gia. Đặc biệt, vụ mùa 2010 diện tích gieo sạ hàng bằng công cụ giàn kéo tay toàn xã đạt 120 ha với các giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm số 7 (đạt 200 kg/sào/vụ, giá bán là 8.200 đồng/kg, tăng so với lúa bình thường là 2.800đ/kg, giá trị tăng hơn so với lúa cấy là 560.000 đ/sào/vụ), do vậy các hộ dân tham gia gieo sạ lúa theo hàng hiện nay đã có thu nhập cao với chi phí đầu tư thấp.
Anh Nguyễn Duy Miên cho biết, từ việc tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, thay đổi tập quán của nhân dân từ nghìn đời nay như gieo mạ, nhổ mạ rồi lại cấy thì việc sản xuất lúa bằng công cụ kéo tay đã đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch đã nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất cho người nông dân nói chung, bà con nông dân xã Thụy Hương nói riêng. Tuy nhiên, đây là công cụ sản xuất mới tại vùng đồng bằng sông Hồng - nơi đồng ruộng không bằng phẳng, ruộng đất nhỏ, thời tiết không thuận lợi thường rét đậm, rét hại kéo dài vào vụ xuân, vụ mùa thường mưa nhiều nên anh Miên cũng mong các cấp chính quyền bố trí thời vụ gieo trồng tránh rét ở vụ xuân, tránh mưa ở vụ mùa. Để đẩy mạnh hơn nữa công tác gieo sạ phát triển trên diện rộng thì xã Thụy Hương cần triển khai hiệu quả việc dồn ô đổi thửa và lựa chọn những nông dân có kinh nghiệm, giỏi về sản xuất nông nghiệp để mở rộng diện tích hộ sản xuất lúa gieo sạ chuyên canh từ 5 - 10 ha/hộ. Đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu làm đất, ngâm ủ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thành lập tổ chức dịch vụ để liên kết các khâu đạt hiệu quả…
Hiện nay, bên cạnh công tác về sản xuất lúa theo hàng bằng công cụ, gia đình anh Nguyễn Duy Miên cũng mở rộng diện tích cây rau màu an toàn để nâng cao thu nhập như cây cà chua, rau bí, rau cải, hành, cải bắp, súp lơ cho thu nhập gấp 5 - 8 lần trồng lúa; với 120 - 130 con lợn thịt xuất chuồng/năm (bình quân 60 kg/con) đã cho gia đình anh Miên nguồn thu nhập ổn định từng bước vươn lên khá giả.
Anh Nguyễn Duy Miên (đứng ngoài cùng, bên phải) nhận Giấy chứng nhận tại tuần lễ Nông dân Asean 2010