00:00 Số lượt truy cập: 2668004

Ào ạt trồng rau để rồi bị lỗ! 

Được đăng : 03/11/2016

Cuối năm 2008, do ảnh hưởng của lũ lụt nên giá rau trên thị trường tăng cao, nhiều người trồng rau lời đến hơn 10 triệu đồng/sào/vụ. Thấy trồng rau trúng lớn, nhiều nông dân ở Đồng Nai đã ồ ạt chuyển qua trồng rau, khiến lượng cung tăng đột biến, vượt xa nhu cầu, dẫn đến giá rau rớt thảm hại. Tính ra, cứ 1 hécta rau, nông dân đang phải chịu lỗ hơn 10 triệu đồng.


Bán rẻ như cho

Vụ đông xuân năm 2008-2009, diện tích trồng rau của toàn tỉnh trên 5 ngàn hécta, chủ yếu tập trung ở huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Thống Nhất. Vào thời điểm cuối năm 2008, giá rau luôn ở mức khá cao khoảng 10 - 12 ngàn đồng/kg khiến cho nhiều nông dân đã chuyển qua trồng rau. Nhưng không ngờ, sau Tết Nguyên đán giá rau giảm xuống khá nhanh cho đến thời điểm này các loại rau ăn lá như mồng tơi, cải ngọt, cải xanh... chỉ còn 1.000 - 1500 đồng/kg, rau ăn quả như khổ qua, dưa leo, mướp, bầu bí, đậu cô-ve chỉ dao động ở mức 1.500 -2.000 đồng/kg làm nhiều người trồng rau đành ngậm đắng.
 
Rau giảm giá, nhiều hộ nông dân điêu đứng.

Ông Vũ Văn Nhật ở ấp 4A,  xã Xuân Bắc - Xuân Lộc, cho biết: "Thấy dưa leo và đậu cô-ve trước tết giá 10 ngàn đồng/kg, tôi đã đầu tư trồng 4 sào dưa leo, đậu cô-ve. Hiện tôi đang thu hoạch, nhưng giá bán rẻ như bèo, chỉ được 1.500-2.000 đồng/kg. Với giá này tôi sẽ lỗ hơn 1 triệu đồng/sào rau". Ông Đặng Văn Nam cũng ở xã Xuân Bắc, nói: "Trồng rau vào lúc này chi phí đầu tư nhiều hơn vì nắng hạn, phải tưới 2 lần/ngày. Do vậy, rau ăn quả phải bán được trên 2.500 đồng/kg thì người trồng mới có lời chút đỉnh". Ông Vũ Văn Chức, xã Phú Đông - Nhơn Trạch, cho hay: "Cách đây 1 tuần, rau ăn lá chỉ còn 500 - 1.000 đồng/kg. Gần đây, giá rau bán ra tại ruộng đã nhích lên 700 - 1.400 đồng/kg. Song, với giá này nông dân trồng rau vẫn bị lỗ, vì 1kg rau ăn lá phải 2.000 đồng trở lên mới có lời".

Qua trao đổi với một số hộ trồng rau ở TX. Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ và Thống Nhất, chúng tôi được biết trồng rau vụ này tốn công làm đất, nước tưới và phân bón nhiều hơn những vụ khác. Nhiều người nói giá rau hiện rẻ như cho nhưng nếu không nhổ, hái bán để quá lứa thì càng lỗ, còn đem bán thì xót xa.

* Rau cũng chịu ảnh hưởng bởi... kinh tế suy giảm


Theo các thương lái kinh doanh rau ở chợ đầu mối, giá rau trong những ngày tới tại Đồng Nai vẫn chưa thể tăng cao, vì lượng rau từ Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây đưa về rất nhiều. Ngoài ra, các tỉnh, thành lân cận như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi tiêu thụ đến gần một nửa lượng rau của Đồng Nai, đều giảm lượng mua do các công ty, nhà máy trên địa bàn gặp khó khăn đã thu hẹp sản xuất, số lượng công nhân phải nghỉ việc dài ngày bỏ về quê khá nhiều.

Một nghịch lý là trong khi các hộ trồng rau đang khốn đốn vì giá rau quá rẻ, thì tại các chợ ở TP.Biên Hòa các loại rau ăn lá vào thời điểm thấp nhất phải 5 - 6 ngàn đồng/kg. Trong mấy ngày gần đây giá rau bán tại ruộng tăng lên 200 - 400 đồng/kg, thì giá rau bán tại các chợ tăng vọt lên 7 - 9 ngàn đồng/kg.
 
Trong khi nông dân tại các huyện đang điêu đứng vì giá rau quá thấp thì tại những vùng trồng rau lớn của TP. Biên Hòa như Trảng Dài, Tân Phong giá các loại rau ăn lá bán tại ruộng khoảng 4 ngàn đồng/kg. Với giá này, người trồng rau lời được gần 2 ngàn đồng/kg. Được biết, cách đây gần 1 tuần thời điểm giá rau xuống thấp nhất thì các hộ trồng rau ở đây vẫn bán được trên 2 ngàn đồng/kg.
Anh Vũ Văn Vương, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Trường An ở xã Xuân Phú - Xuân Lộc, cho hay: "Kinh nghiệm trồng rau nhiều năm tôi thấy, giá rau theo chu kỳ là đắt rồi rẻ và qua thời kỳ rẻ sẽ đắt trở lại. Do nông dân mình có thói quen, cứ cây gì được giá thì rủ nhau đi trồng khiến cung vượt cầu. Khi thấy giá rẻ lại đồng loạt không trồng nữa thành ra thiếu. Chính vì nắm được quy luật này, HTX luôn bố trí sản xuất phù hợp, ít khi để xảy ra thua lỗ".

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, giá rau đang cao ngất ngưởng lại rớt xuống chỉ còn trên dưới 1.000 đồng/kg làm nhiều nông dân bị thua lỗ nặng. Điều đó cho thấy, nếu còn sản xuất nhỏ lẻ, chạy theo những cây "thời thượng" thì nông dân sẽ còn tiếp tục chịu nhiều rủi ro với vòng xoáy trồng rồi chặt.