00:00 Số lượt truy cập: 2638179

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo vườn cà phê già cỗi 

Được đăng : 03/11/2016

Huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị hiện có 4.864 ha cà phê, trong đó 4.413 ha cà phê cho sản phẩm với sản lượng khoảng 48.000 tấn/năm. Nguồn thu từ cây cà phê hàng năm khoảng hơn 200 tỷ đồng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện có gần một nửa số diện tích cà phê đã được trồng cách đây từ 12- 20 năm. Đây là phần diện tích cà phê già cỗi, cần được phục hồi vì năng suất và chất lượng đều giảm rõ rệt, có vườn chỉ đạt 0,9- 1 tấn quả tươi/ha/vụ. Theo người dân trồng cà phê, việc phục hồi những diện tích cà phê già cỗi gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư, kỹ thuật, trong khi giá bán cà phê không ổn định, biến động thất thường.



Thu hoạch cà phê ở Hướng Phùng, Hướng Hóa

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư Quảng Trị đã xây dựng và nghiên cứu đề tài khoa học: “Đánh giá các vườn cà phê và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để cải tạo vườn cà phê già cỗi trên địa bàn huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị”. Thông qua đề tài nhằm hoàn thiện các quy trình kỹ thuật cải tạo trẻ hóa vườn cà phê già cỗi để phục hồi, phát triển các vườn cà phê này có hiệu quả cao hơn, phù hợp với điều kiện sản xuất, tổ chức nhân rộng cho người trồng cà phê. Biện pháp kỹ thuật thực hiện chính là đốn ngang thân cây (gọi là đốn đau) và sửa cành tạo tán cho cà phê hàng năm (gọi là đốn phớt) và thực hiện các biện pháp chăm sóc thâm canh. Phương pháp “đốn đau” là kỹ thuật tiến hành cưa đốn triệt để nhằm cải tạo làm trẻ hóa cơ bản vườn cây cà phê già cỗi. “Đốn phớt” là một trong các biện pháp kỹ thuật quan trọng cải tạo trẻ hóa giúp cho cây cà phê già cỗi có nhiều cành hữu hiệu được phân bổ đều trong tán, có khả năng ra hoa quả nhiều và ổn định qua các năm.

Gia đình ông Trần Văn Bình ở thôn Cổ Nhổi, xã Hướng Phùng, Hướng Hóa trồng 1,2 ha cà phê từ năm 1998 đến nay đã quá già cỗi nên cho năng suất thấp, chỉ đạt khoảng 1,4- 1,5 tấn quả tươi/ha/năm. Nguồn thu từ cà phê không đủ để đầu tư trở lại. Hơn nữa, vườn cà phê già sức đề kháng của cây yếu nên sâu bệnh xuất hiện nhiều, hàng năm ông Bình phải tốn chi phí từ 1,5 - 2 triệu đồng để mua thuốc bảo vệ thực vật, đó là chưa kể công làm cỏ, bón phân, phun thuốc vì vườn cà phê già cần nhiều công chăm sóc hơn. Năm 2012, được chọn làm mô hình ứng dụng KHKT vào cải tạo cây cà phê già cỗi bằng phương pháp “đốn đau”, ông Bình đã chọn 0,2 ha làm thử nghiệm. Ông Bình được tham gia các lớp tập huấn về phương pháp “đốn đau” và chăm sóc sau đốn nên đã nắm chắc kỹ thuật và chủ động thực hiện trên vườn của mình. Sau hơn 2 năm, sản lượng cà phê ông Bình thu hoạch trên diện tích làm thí điểm mô hình cải tạo trẻ hóa tăng gấp 3,5 lần so với vườn cà phê già cỗi trước đây, đạt hơn 1,1 tấn/0,2 ha.

Thực tế tại các mô hình thí nghiệm cho thấy, cải tạo vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp “đốn đau” hay “đốn phớt” đều mang lại hiệu quả cao. Cây cà phê được cải tạo phát triển tốt, cân đối, khả năng tạo cành, quả nhanh, chỉ sau 12 - 16 tháng, cà phê phát triển số cành, số đốt quả và số quả tăng hơn nhiều lần so với cà phê già. Sau 2 năm cải tạo, năng suất cà phê tăng gấp 3 - 3,5 lần so với năng suất cà phê già và bằng 80 - 90% năng suất cà phê trồng mới đưa vào khai thác ổn định. Ngoài ra, vườn cà phê sau khi cải tạo có khả năng chịu hạn cao và ít bị các đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại.

Ông Trần Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư Quảng Trị cho biết: “Với cách làm này, chỉ hơn hai năm sau “đốn đau” nông dân đã có sản phẩm để thu hái (tức là chỉ có gián đoạn 1 năm không thu hoạch). Còn đối với mô hình “đốn phớt” thì không bị gián đoạn thời gian thu hoạch sản phẩm. Trong khi đó, nếu tái canh trồng mới vườn cà phê phải mất ít nhất 3 năm mới cho thu bói”.

Sau khi mô hình thử nghiệm thành công, Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư đã hỗ trợ cho 2 nhóm hộ ở thị trấn Khe Sanh và xã Tân Hợp triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Thời gian khai thác vườn cà phê sau cải tạo đạt từ 7 - 8 năm. Như vậy, áp dụng biện pháp kỹ thuật cải tạo vườn cà phê là một trong những giải pháp tốt vừa ít giảm năng suất so với cà phê thời kỳ khai thác ổn định, vừa giản thời gian đầu tư cho tái canh để người dân giảm bớt áp lực về vốn đầu tư, làm tăng hiệu quả kinh tế hơn.

Đây là giải pháp kỹ thuật cải tạo vườn cà phê già cỗi có tính khả thi cao cần nhân rộng cho nông dân áp dụng đại trà. Việc thực hiện tốt các mô hình thí điểm cũng có tác động tốt đến nhận thức của nông dân trồng cà phê, giúp họ xóa bỏ dần tập quán canh tác cũ và thực hiện đầu tư thâm canh bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao.

HÀ VÂN AN