00:00 Số lượt truy cập: 3228597

Bắc Giang: chăn nuôi thỏ sinh sản hiệu quả 

Được đăng : 03/11/2016
Nhờ được vay 20 triệu vốn đồng từ nguồn quỹ “Hỗ trợ nông dân” của Hội Nông dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, gia đình anh Vũ Thế Để ở thôn Trại Giữa, xã Thanh Hải đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản với quy mô 50 con thỏ nái. Mô hình đang phát triển thuận lợi và hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao.

Cách đây khoảng 7 năm về trước, gia đình ông Vũ Thế Để ở thôn Trại Giữa, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cũng đã từng là hộ dân chăn nuôi thỏ với số lượng lớn có tiếng trong vùng. Tuy nhiên lúc đó, thị trường đầu ra cho con thỏ thương phẩm chưa ổn định, hiệu quả chăn nuôi thấp. Vì thế, ông Để chán nản trở nên bê trễ trong việc chăm sóc đã khiến đàn thỏ trong chuồng mắc bệnh cứ chết dần, mô hình bị phá sản… Kinh tế của gia đình cũng rơi vào cảnh khó khăn.

Mặc dù vậy, với niềm yêu thích chăn nuôi thỏ - con vật dễ thương vẫn nung nấu trong ông. Cuối năm 2010, nghe tin anh Dương Trí Tuệ - một hộ chăn nuôi thỏ lớn ở xã Quý Sơn đã ký được hợp đồng bán thỏ thương phẩm với số lượng lớn và giá cả ổn định cho một Công ty của Nhật Bản thu mua nhằm phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu chế tạo vacxin, ông Để đã đến tìm hiểu và được anh Tuệ hứa sẽ ký hợp đồng thu mua 100 con thỏ thương phẩm/tháng với giá 60 – 65 nghìn đồng/kg nếu ông thực hiện mô hình. Như vậy là đầu ra cho con thỏ thương phẩm đã tương đối yên tâm. Đầu năm 2011, ông Để đã vay vốn từ "Quỹ hỗ trợ nông dân" của Hội Nông dân huyện được 20 triệu đồng và quyết định đầu tư khôi phục lại chăn nuôi thỏ. Từ nguồn vốn này, kết hợp với 15 triệu đồng tích góp của gia đình, ông Để đã mua được 50 con thỏ bố mẹ giống New Zealand và đầu tư cải tạo lại chuồng trại chăn nuôi thỏ khoa học hơn: đóng mới 100 ô chuồng, trong đó có 50 ô cho thỏ bố mẹ và 50 ô để chăn nuôi thỏ thương phẩm; lắp đặt hệ thống ống dẫn nước cho thỏ uống tự động. Đồng thời, ông xuống tận Hải Dương mua giống cỏ Ghi lê của Nhật Bản - đây là một trong những giống cỏ có năng suất và hàm lượng dinh dưỡng cao về trồng phục vụ chăn nuôi thỏ.

Nhờ việc tích cực nghiên cứu, áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho thỏ nên đàn thỏ của gia đình ông lớn nhanh, phát triển tốt. Chỉ sau hơn 3 tháng tập trung chăn nuôi, đến nay đàn thỏ mẹ đã bắt đầu sinh sản, mỗi con thỏ nái đẻ được từ 5 – 8 con thỏ con.

Ông Để cho biết, chăn nuôi thỏ nhàn và đỡ tốn kém hơn nuôi lợn nhiều, vì nguồn thức ăn cho thỏ gồm: cỏ và rau xanh cơ bản đã sẵn có trong vườn nhà, còn các loại thức ăn tinh như cám thì tiêu tốn không đáng kể. Với mô hình này chỉ cần một lao động chăn nuôi thì nhàn tênh. Điều cơ bản nhất là mỗi ngày người chăn nuôi cần dọn dẹp vệ sinh chuồng trại một lần nhằm hạn chế ô nhiễm, gây phát sinh nguồn bệnh cho đàn thỏ. Cung đó, người chăn nuôi cần quan sát con thỏ nái để xem thỏ đến kỳ sinh sản cho phối giống kịp thời. Hiện tại, bệnh nguy hiểm nhất cho đàn thỏ là bại huyết thì đã có vắc xin để tiêm phòng, còn các bệnh khác như tiêu chảy, nấm, ghẻ rất dễ điều trị.

Thỏ thương phẩm trên thị trường hiện nay đang khan hiếm nên từ khi biết gia đình ông Vũ Thế Để khôi phục chăn nuôi thỏ, ngoài hợp đồng tiêu thụ cho công ty của Nhật Bản, nhiều thương lái ở các tỉnh như Hải Dương, Bắc Giang và Hà Nội cũng đến hỏi và đặt mua thỏ thương phẩm với giá 65 nghìn đồng/kg. Như vậy với giá cả thu mua thỏ thương phẩm như hiện nay, nếu mô hình chăn nuôi cung cấp ra thị trường 100 con thịt trong 1 tháng, mỗi con nặng từ 1,8 – 2 kg thì sẽ thu về được khoảng 13 triệu đồng, trừ các khoảng chi phí về thuốc thú ý và thức ăn chăn nuôi, người dân còn lãi được hơn một nửa. Đây là mô hình dễ nhân rộng trong nhân dân, bởi vốn đầu tư ban đầu không lớn lắm và thị trường đầu ra cho con thỏ đang thuận lợi.