00:00 Số lượt truy cập: 3231091

Bắc thơm 7 lại có 

Được đăng : 03/11/2016
Vụ xuân năm 2009, TT Nghiên cứu Phát triển lúa thuần (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) đã phối hợp với TT Khuyến nông Hải Phòng đưa hơn 10 giống lúa mới vào trồng thử nghiệm tại các địa phương huyện Tiên Lãng.

Tại Hội nghị đầu bờ vừa diễn ra ở Tiên Lãng đánh giá kết quả thử nghiệm các giống lúa này, 2 giống lúa thơm HT6 và HT9 đã được các đại biểu và Hội đồng Khoa học (Viện Khoa học Nông nghiệp VN - VAAS) đánh giá rất cao, đủ sức cạnh tranh với giống lúa thơm đang trồng phổ biến là Bắc thơm 7. 

Sau khi được chọn lọc dòng và khảo nghiệm cơ bản, năm 2008, HT6 và HT9 được công nhận trồng thử hơn 2.000ha tại các tỉnh Hà Nam, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Sơn La, Vĩnh Phúc… Kết quả tổng hợp các địa phương cho thấy, HT6 và HT9 có ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng gạo cũng như khả năng chống chịu bệnh. Thời gian sinh trưởng của giống HT6 và HT9 ít hơn hoặc xấp xỉ so với HT1 và Bắc thơm 7 (BT7), dao động từ 108 đến 141 ngày (tùy vụ). Số hạt chắc đạt trên 120 hạt/bông (so với HT1 là 105 hạt/bông và BT7 là 100 hạt/bông). Năng suất của HT6 và HT9 từ 50 đến 70 tạ/ha (so với BT7 là 43 đến 50 tạ/ha). Nếu được chăm sóc kỹ, HT9 có khả năng vượt trên 70 tạ/ha. 

Qua trồng khảo nghiệm năm 2007 và thử nghiệm vụ xuân 2009 tại HTX Cấp Tiến (Tiên Lãng, Hải Phòng), cả HT6 và HT9 đều thể hiện được các ưu điểm vượt trội so với các giống lúa đối chứng truyền thống. Khảo nghiệm tại 1ha đất vườn ở HTX Cấp Tiến năm 2007 đạt 64 tạ/ha. Vụ xuân 2009 vừa qua, HTX Cấp Tiến nhân rộng diện tích trồng thử nghiệm HT6 và HT9 lên 10ha tại đồng đất chua mặn (5,5 độ pH) ven sông thuộc thôn Phương Lai. Hiện tại, cả hai giống HT6 và HT9 đang thời kỳ chín sinh lý, năng suất ước tính đạt 56 đến 58 tạ/ha.

Theo HTX Cấp Tiến, nếu được canh tác trên đất tốt (thay vì đất chua mặn), năng suất có thể đạt gần 70 tạ/ha (so với Khang dân là 52 tạ/ha; Q5 là 57 tạ/ha; Xi23 55 tạ/ha…). Về chất lượng gạo của HT6 và HT9 đều vượt trội so với các loại gạo thông thường như Khang dân hay Q5. Cả hai giống đều cơm dẻo, mùi thơm đặc trưng. Theo người dân xã Cấp Tiến, gạo HT6 và HT9 ngon và dễ ăn. Tuy không thơm bằng gạo BT7 nhưng có thể ăn liên tục mà không nhanh chán như BT7. Ngoài ra, gạo HT6 và HT9 cũng có thể sử dụng nấu rượu và dùng cho chế biến thực phẩm khác. 

TS Lê Vĩnh Thảo: Với các ưu thế vượt trội về năng suất và chất lượng gạo, HT6 và HT9 có khả năng sẽ thay thế được giống lúa thơm truyền thống BT7 trong tương lai. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là quy trình công nhận giống mới quá mất nhiều thời gian, cản trở việc đưa các giống mới vào sản xuất để bà con nông dân nhanh chóng được hưởng lợi.

Theo TS Lê Vĩnh Thảo (VAAS) – tác giả của HT6 và HT9 thì hai giống lúa mới này có chất lượng gạo không thua kém so với giống lúa thơm truyền thống hiện nay là BT7. Chỉ số Amiloza của HT6 và HT9 đều đạt trên 15,5 (so với BT7 là 14,3; LT2 là 14,5; T10 là 15...). . Qua trồng thử nghiệm cho thấy cả HT6 và HT9 đều có khả năng thích ứng đất và khí hậu rộng, khả năng chống chịu bệnh cao, đặc biệt là bệnh bạc lá.

Ông Nguyễn Văn Hoạt, Phó GĐ Cty Giống cây trồng Bắc Giang cho biết vụ mùa năm 2007, Công ty đã đưa vào trồng khảo nghiệm giống HT6 và HT9 với diện tích 7ha tại xã Đức Giang (huyện Yên Dũng). Mặc dù vụ đó hầu hết các giống lúa khác đều bị bệnh bạc lá rất nặng nhưng riêng HT6 và HT9 đều không bị bệnh. Năng suất đạt 53 tạ/ha. Vụ xuân năm 2008 rét đậm, Cty tiếp tục trồng thử nghiệm giống HT6 và HT9 tại Xí nghiệp Giống cây trồng Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang) và thấy khả năng chịu rét của hai giống lúa này khá tốt. 

Vụ mùa năm 2009 có nhiều khả năng bệnh bạc lá sẽ phát triển mạnh, Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm sẽ tiếp tục trồng thử nghiệm giống HT6 và HT9 tại Tiên Lãng (Hải Phòng) để theo dõi về khả năng chịu bệnh của hai giống lúa này. Viện cũng đang xúc tiến nhanh việc công nhận 2 giống lúa này để nhanh chóng đưa vào sản xuất quy mô lớn.