Bao giờ được minh oan? Sau khi những bài báo với nội dung thông tin không thiện chí, phản đối sản phẩm cá basa Việt Nam tại thị trường Ai Cập được phát hành, Đại sứ quán Việt Nam, Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương mới gửi Công hàm kèm theo các thông số kỹ thuật chứng minh cá basa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho phía bạn. Mặc dù sau 2 tuần, cá basa được minh oan tại Ai Cập nhưng sự việc này gây thiệt hại rất lớn đối với việc xuất khẩu cá basa cũng như tên tuổi mặt hàng này sau bao năm gây dựng. Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm cá tra - basa của nước ta phải đối mặt với những thông tin kiểu này. Trước đó, tại thị trường Đức, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha cũng đã có những thông tin tương trợ khi sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu vào nước của họ. Ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, có 2 lý do chính để họ vin vào nhằm chống lại cá tra Việt Nam. Đó là sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giá bán của ta rẻ hơn sản phẩm của nước họ. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các nước đã tận dụng triệt để hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn hàng nhập khẩu. Không biết khi nào sản phẩm cá tra của Việt Nam sẽ được minh oan nhưng đáng ra, ngành chức năng và các doanh nghiệp phải nhận ra điều này sớm hơn. Đã từng có những đơn vị xuất đi những container cá không đảm bảo chất lượng, thậm chí ở nhiều nơi, việc sử dụng kháng sinh cấm trong môi trường nuôi vẫn tồn tại. ông Nguyễn Như Tiệp, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thuỷ sản thừa nhận, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng phụ gia làm tăng lượng nước nhằm cải thiện cảm nhận (giúp cá dai hơn, giòn hơn...); tỷ lệ mạ băng (đông cá) vẫn cao hơn 20% so với quy định khiến chất lượng dinh dưỡng của sản phẩm giảm. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch thường trực VASEP: Hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt Nam Sự việc vừa qua đối với sản phẩm cá tra thực sự là hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để khắc phục những khó khăn trên, chúng ta cần tiến hành thống kê lại số lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp, từ đó truy xuất nguồn gốc các lô hàng cần kiểm tra lại. Nếu đơn vị nào vi phạm sẽ bị tạm ngừng xuất khẩu cho đến khi kiểm tra đạt điều kiện về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm mới cho xuất khẩu tiếp. Cần một cuộc "đại phẫu" Trong những lần thanh tra của EU trước đây, các điều kiện sản xuất trước chế biến như tàu cá, cảng cá, chợ cá, cơ sở thu mua... đều cho thấy chưa đạt tiêu chuẩn nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện. Nguyên nhân chủ yếu là do còn nhiều khó khăn về nhân lực, kinh phí nên các địa phương chưa triển khai đầy đủ hoạt động kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Để nâng cao chất lượng và hình ảnh của cá da trơn Việt Nam, việc nâng cao và quản lý chất lượng cá tra xuất khẩu được coi là yếu tố hàng đầu. Theo đó, cần kiểm tra lại quy trình kỹ thuật chế biến và đội ngũ quản lý chất lượng sản phẩm xuất khẩu của nhà máy; nghiêm cấm các hành vi gian dối trong kinh doanh; tăng cường thông tin quảng bá, cung cấp những thông tin liên quan đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các thị trường và trên bao bì sản phẩm... Đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm, trộn cá tra loại thải vào để xuất khẩu sẽ bị đình chỉ xuất khẩu. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin, quảng bá hình ảnh về cá tra Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu; quan tâm đến chất lượng sản phẩm, giá bán... chứ không nên đợi đến lúc có dư luận rồi mới tìm cách giải quyết hậu quả. |