00:00 Số lượt truy cập: 3228792

Bàn cách nâng cao năng suất, chất lượng ca cao 

Được đăng : 03/11/2016
Làm thế nào để nâng cao năng suất, chất lượng cây ca cao, hướng đến phát triển bền vững là chủ đề chính của Diễn đàn "Giải pháp phát triển ca cao bền vững ở Việt Nam" vừa được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNTT) phối hợp với Chính phủ Hà Lan tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, tính đến tháng 10/2012, cả nước có 22.415ha ca cao, tập trung chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với khoảng 14.500ha (chiếm 65% diện tích), kế đến là Tây Nguyên 5.142ha (chiếm 23%) và Đông Nam Bộ 2.700ha (chiếm 12%). Trong đó, 10.128ha ca cao đang cho thu hoạch, chiếm 45,2% diện tích ca cao cả nước.

TS.Trương Hồng, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho biết, hiện năng suất ca cao trồng tại Việt Nam thấp hơn so với tiềm năng của loại cây này. Do đây là cây trồng mới nên trong quá trình sản xuất cần phải chú trọng đến khâu giống, kỹ thuật canh tác và giải pháp quản lý sâu bệnh. Chính vì thiếu thông tin thị trường cũng như kỹ thuật canh tác nên nhiều nông dân chưa mạnh dạn đầu tư thỏa đáng cho vườn ca cao. Hiện, có khoảng 90% diện tích ca cao ở Tây Nguyên được trồng theo hình thức xen canh dưới tán điều. Hầu hết diện tích ca cao độc canh (trồng thuần) được trồng trên những vườn càphê già cỗi thanh lý của các công ty, nông trường quốc doanh.

Ông Hồng trăn trở, điều đáng lo ngại hiện nay là bệnh thối quả (do nấm Phytophthora) và bọ xít muỗi đang gây tổn thất nhiều nhất cho các vùng trồng ca cao. Tỷ lệ thiệt hại do bệnh thối quả lên tới trên 70%, nhất là tại những vườn ca cao ở Tây Nguyên, có vườn năng suất bị giảm tới 90%.

Ông Nguyễn Xuân Diệp, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Nông dân chưa thật sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển của loại cây này do chưa nắm được thông tin về thị trường tiêu thụ. Vì vậy, việc nhân rộng mô hình trồng ca cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn đang ở giai đoạn cầm chừng…".

Theo ông Diệp, từ năm 2002, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quy hoạch diện tích trồng ca cao đến năm 2010 là 6.000ha, nhưng đến năm 2011, toàn tỉnh mới đạt khoảng 2.000ha, dự kiến đến hết năm nay cũng chỉ tăng thêm khoảng 300ha nữa. Cũng theo ông Diệp, khác với việc hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình trồng cây ngắn ngày, ca cao cần phải có chương trình hỗ trợ kéo dài. Đồng thời, phải xây dựng các hoạt động kết nối thị trường để người trồng ca cao tin tưởng vào đầu ra sản phẩm thì nông dân mới sẵn sàng tham gia phát triển diện tích ca cao.

Ông Võ Đình Khánh (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bình Phước) cũng cho biết: "Mặc dù đặt mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 30.000ha ca cao, nhưng đến thời điểm hiện tại diện tích trồng ca cao của tỉnh mới đạt khoảng 2.100 ha". Theo ông Khánh, việc tăng thêm gần 27.900 ha trong vòng 8 năm nữa là rất khó, vì còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quy hoạch chung của tỉnh.

Bà Choo Fay Fay, Giám đốc phát triển ca cao châu Á (Công ty Mars, Hoa Kỳ) cho biết, trên thế giới hiện có khoảng 6 triệu nông hộ sản xuất ca cao quy mô nhỏ, họ rất thiếu thông tin kỹ thuật, các vườn ca cao hầu hết đã già cỗi, khoảng 35 tuổi và cần phải trẻ hóa bằng cách đầu tư trồng mới.

Theo Cục Trồng trọt, trong quy hoạch phát triển cây ca cao đến 2020, Việt Nam trồng mới 50.000ha, sản lượng tăng lên 45.700 tấn hạt ca cao khô ủ lên men, với tổng giá trị xuất khẩu đạt 65-75 triệu USD. Lúc đó, nước ta trở thành quốc gia lớn thứ 2 châu Á, chỉ sau Indonesia về sản lượng ca cao. Tuy nhiên, để xây dựng chiến lược phát triển ca cao bền vững đến năm 2020, trước mắt cần phải tập trung nâng cao năng suất và chất lượng ca cao; đầu tư thâm canh tăng năng suất 2kg hạt/cây/năm. Đồng thời, cần tiếp tục đầu tư lai tạo nguồn giống cùng các giải pháp bảo vệ thực vật, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn sau chế biến để hướng tới xuất khẩu…