00:00 Số lượt truy cập: 2670937

Báo động sản xuất thức ăn thủy sản ở ĐBSCL 

Được đăng : 03/11/2016

Ngày 4-12, tại Cần Thơ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (BNN & PTNT) đã công bố kết quả kiểm tra 18 công ty, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL.


Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản công bố cho biết cụ thể về kết quả kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản trong tháng 10-2008. Theo đó, 18 mẫu đưa đi kiểm nghiệm có 8 mẫu chứa melamine và lô bột cá (nguyên liệu sản xuất thức ăn-NV) 120 tấn của Công ty Nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ (CATACO) nhập từ Trung Quốc bị nhiễm melamine với hàm lượng 0,63 – 0,86%.Từ số nguyên liệu nhiễm melamine trên, công ty này đã sản xuất thức ăn cho cá da trơn và bán ra thị trường các tỉnh: Vĩnh Long, Cần Thơ và Đồng Tháp hơn 1,2 tấn. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty thu gom và niêm phong toàn bộ số thành phẩm đã sản xuất từ số nguyên liệu trên để chờ xử lý. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thì tranh thủ giải trình sản phẩm mình không có độc tố, “méc” kết quả kiểm tra... như Chi nhánh Cargill, Công ty trách nhiệm hữu hạn Grobest … Còn những công ty sản xuất, chế biến cá da trơn lại quan tâm đến vấn đề giá thức ăn tại sao không giảm trong khi hiện nay giá nguyên liệu đầu vào hiện nay ngày một giảm. Ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt cho biết “giá thức ăn là cực kỳ quan trọng trong việc cấu thành giá cá xuất khẩu, làm sao giảm giá thành thức ăn mới là mấu chốt”.

Thứ trưởng Lương Lê Phương thông báo với tám doanh nghiệp qua đợt kiểm tra sản phẩm có chứa melamine nhưng hàm lượng đều dưới 2,5mg/kg theo quyết định ngày 28-11-2008 do đó được coi như không có melamine. Ông Phương khẳng định hiện nay Bộ chưa công bố một doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản nào có chứa melamine cả, sắp tới dựa vào chuẩn mới chúng tôi sẽ phúc tra lại chỉ doanh nghiệp nào vượt mức trên mới bị công bố. Ông Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản vùng 6 đồng tình với nhận định của thứ trưởng cũng như quyết định về mức chấp nhận được coi là không có melamine (2,5mg/kg) khi đưa ra dẫn chứng Mỹ, Trung Quốc … cũng áp dụng chuẩn này.

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá da trơn kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn giảm giá, thì Thứ trưởng BNN & PTNT, ông Lương Lê Phương kêu gọi “đạo đức của những doanh nghiệp sản xuất thức ăn, hãy vì những người nuôi thủy sản mà giảm giá bởi họ không nuôi thì thức ăn cũng không bán được, các anh hãy coi chiến lược giảm giá lần này là chiến lược nhân đạo”. Đáp lại lời kêu gọi này, ông Mai Văn Hoàng, Giám đốc kinh doanh Công ty trách nhiệm hữu hạn Grobest cho biết: “Chậm nhất cũng đến tháng 1-2009 chúng tôi mới giảm giá được, bởi trước đây do công ty nguyên liệu dự trữ từ lúc giá cả còn cao nên hiện nay lượng hàng tồn kho mà giảm giá thì chúng tôi lỗ”.

Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Cargill cho biết: “Chậm nhất đến tháng 4-2009 chúng tôi mới giảm giá được cũng do hàng tồn kho nhiều”. Hay như Công ty cổ phần Việt Pháp (thức ăn Con cò) cho biết hiện nay công ty đã giảm giá gần 10% nên chuyện giảm giá trong thời gian tới cần phải xem xét kỹ.Trong khi đó các doanh nghiệp mới đi vào sản xuất thức ăn thủy sản thì hứa sẽ giảm giá. Cụ thể như Công ty thức ăn chăn nuôi Bạc Liêu hứa chắc: “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ giảm giá thức ăn cho chăn nuôi thủy sản từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg”.Công ty lớn kêu khó, công ty nhỏ thì kêu dễ, chính vì thế mà các doanh nghiệp sản xuất thức ăn đề xuất thành lập Hội sản xuất thức ăn thủy sản. Đề xuất này được ông Phương nhiệt tình ủng hộ, ông hứa “sẽ đề xuất Vụ Tổ chức cán bộ thuộc BNN & PTNT hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc thành lập hội này”. Bước đầu, đã giới thiệu được một công ty đại diện tham gia vào Ban chấp hành lâm thời như Công ty Cổ phần Việt Pháp, Công ty trách nhiệm Cargill, Công ty Uni President, A FIEX An Giang, Công ty Việt Thắng... Ông Phương cho biết, chậm nhất tháng 1-2009 xong đề án thành lập hội, hội này sẽ xem xét việc tăng, giảm giá thức ăn một cách đúng lúc để giúp đỡ người dân nuôi trồng thủy sản.