00:00 Số lượt truy cập: 3206356

Biến đồi hoang thành vàng 

Được đăng : 03/11/2016

Anh Hoàng Văn Hải là hội viên Hội Nông dân tổ 5, Phố Ngọc, xã Trung Minh. Gia đình anh có 6 nhân khẩu, gồm 02 vợ chồng và 04 người con. Do đặc điểm của địa phương là không có đất ruộng nên gia đình anh Hải và người dân chủ yếu làm các nghề thủ công, dịch vụ và kinh doanh nhỏ.


Trước đây, nguồn thu chính của gia đình là từ nghề buôn bán phế liệu, đến sau năm 2000 nguồn hàng ít dần, nên anh muốn bỏ nghề, trong khi đó nghề nghiệp khác không có, các con còn nhỏ đang đi học, kinh tế lại càng khó khăn. Nắm bắt được chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc, năm 2004 anh làm đơn gửi Xí nghiệp lâm nghiệp Kỳ Sơn đăng ký trồng rừng và được ký hợp đồng trồng cây nguyên liệu cho Xí nghiệp tại địa bàn Phố Ngọc. Nhìn diện tích đồi trọc mới được nhận anh trăn trở suy nghĩ rất nhiều làm thế nào để biến mảnh đất này thành bờ xôi ruộng mật, trong khi đó đất đai thì khô cằn, đường đi lại vận chuyển không có, vốn liếng có trong tay chẳng đáng là bao, con cái thì nhỏ lại đang tuổi học hành, khó khăn chồng chất khó khăn. Anh đã động viên vợ con, đồng thời vận động sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng. Sau khi được sự nhất trí, ủng hộ của Đảng ủy, UBND xã và các Ban, ngành, đoàn thể của khu phố, anh cùng Ban Chấp hành Chi Hội Nông dân vận động hội viên và nông dân trong chi hội phát dọn thực bì để trồng cây. Cuối năm 2004 đầu năm 2005, gia đình anh vừa tự làm và thuê thêm người phát dọn được 15 ha thực bì, Xí nghiệp lâm nghiệp Kỳ Sơn đã cấp cây giống lâm nghiệp và phân bón để trồng rừng. Gia đình anh tuy đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật của Xí nghiệp hướng dẫn nhưng vì chưa có kinh nghiệm trong khâu vận chuyển cây giống, chăm sóc sau khi trồng và một số nguyên nhân khác nên có tới hơn 80% số cây đã trồng bị chết. Nhìn những sườn đồi trơ trụi, cây chết khô mà tiếc công sức và tiền của của gia đình mình và bà con bỏ ra anh quyết định mang sổ bìa đất ở của gia đình đến Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn xin vay tiền. Được Ngân hàng giải quyết cho vay hơn 100 triệu đồng. Sau đó anh bàn với bà con nông dân trong chi hội trồng lại theo phương thức khoán sản phẩm. Vì chu kỳ khai thác của rừng tương đối dài từ 7 đến 8 năm, để có thể bảo vệ, chăm sóc rừng anh tiến hành trồng xen ngô sắn, đào ao thả cá, nuôi dê, gà đồi, lợn ... nhằm lấy ngắn nuôi dài. Để thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển và phát triển kinh tế anh đã vay mượn anh em, bạn bè san ủi đường cho ô tô đi lại khai thác vận chuyển sau này. Đất không phụ tiền và mồ hôi, công sức của gia đình anh. Năm 2005, từ tất cả các nguồn thu: trồng trọt và chăn nuôi gia đình anh đã thu được tổng số là 60 triệu đồng, trong đó thu từ trồng trọt được 38 triệu đồng; từ chăn nuôi được 22 triệu đồng, đồng thời trồng mới được 10 ha cây keo lai. Số tiền có được anh lại tiếp tục đầu tư vào trồng rừng, chăn nuôi. Nhờ vậy mỗi năm kinh tế gia đình anh càng ổn định hơn, năm sau cao hơn năm trước và có tích lũy. Đến nay gia đình anh đã trồng tổng số trên 60 ha cây keo lai, xây dựng thêm 02 căn hộ, 1 nhà sàn làm nơi nghỉ ngơi cho người lao động và xây dựng 1 nhà xây kiên cố và nhiều vật dụng, phương tiện phục vụ sinh hoạt cho gia đình và nuôi các con ăn học.
Trong những năm qua nhờ các chủ trương của Đảng chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, cộng với sự nghiên cứu tìm tòi hướng đi trong sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật theo phương thức lấy ngắn nuôi dài, lấy trồng trọt hỗ trợ chăn nuôi nên gia đình anh đã vượt khó đi lên và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 15 - 20 lao động có thu nhập ổn định.
Ngoài công việc phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình, anh còn tham gia công tác xã hội, được bầu làm chi hội trưởng nông dân phố Ngọc, phó Ban an ninh phố, tổ trưởng tổ dân cư số 5 và tổ trưởng tổ trồng rừng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Minh. Trong tất cả các lĩnh vực được phân công anh đều cố gắng hoàn thành tốt được bà con nhân dân tin yêu, các cấp chính quyền biểu dương, khen thưởng trong nhiều năm liền. Gia đình luôn đạt gia đình văn hóa.

Trong thời gian tới kế hoạch của gia đình anh chủ yếu là bảo vệ, chăm sóc số rừng đã trồng, nâng diện tích trồng sắn, ngô, phát mới trồng thêm cây ngắn ngày, thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, đảm bảo lợi ích bền vững. Để thực hiện được những việc đó, trước hết phải có kế hoạch cụ thể từng thời kỳ, từng công việc, chủ động trong việc phòng chống cháy rừng, tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho lao động địa phương.