Bước xuống xe là người phụ nữ có thân hình hơi đẫy đà. Nhưng điều gây ngạc nhiên đối với chúng tôi về tỉ phú trang trại nổi tiếng nơi cống đập Ba Lai này là cái nét chân chất, mộc mạc, chịu thương chịu khó - phong thái đậm chất của người phụ nữ Nam bộ. Chỉ tay về chiếc xe, chị giải thích: “Con trâu sắt cà tàng” này là phương tiện đi đây đó thường xuyên của tôi. Tự nhận mình dốt, chưa qua hết bậc tiểu học nên không biết giới thiệu trang trại của mình như thế nào. Vì vậy, khách muốn biết thì cứ hỏi, hỏi đến đâu sẽ trả lời đến đó...Và có nhiều chuyện độc đáo về người phụ nữ ăn cơm chay, lái xe jeep, thường hay đội nón lá, mặc áo bà ba này.
Với ý chí vượt lên số phận và bản tính cần cù lao động, chị Ba Vân (Phan Thị Vân ở ấp Bình Thạnh 3, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại) đã biến vùng đất rừng hoang hóa thành trang trại nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế bậc nhất của tỉnh Bến Tre. Trang trại của chị đã giải quyết việc làm cho gần chục lao động ở địa phương, đem lại lợi nhuận cả tỉ đồng/năm.
* Tuổi thơ cơ cực
Trong ngôi nhà nhỏ, thoáng mát trong khu trang trại, chị Ba Vân bắt đầu câu chuyện về cuộc đời không ít sóng gió của mình. Quê gốc của chị không phải ở Bình Đại mà là xã Phong Mỹ (Giồng Trôm, Bến Tre), một trong những nơi mà giặc Mỹ năm xưa dùng bom xăng thiêu rụi làng mạc, rất thảm khốc. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, mồ côi mẹ lúc nhỏ, đến lúc chị 8 tuổi, cha lại gửi chị em chị cho người dì nuôi dưỡng để đi bộ đội. “Lúc ấy, cha tôi phun nước miếng xoa vào đầu mấy đứa con và ông nói rằng, làm như thế để các con không còn nhớ gì về cha nữa. Rồi chiến tranh cũng cướp cha tôi đi mất, thời loạn lạc chị em phải ly tán nhau...” - phút giây hồi ức làm cho mắt chị đỏ hoe.
Tuổi thơ của chị là chuỗi ngày cơ cực, ngủ hết bến xe này đến bến xe khác. Sống cuộc đời bụi bặm, đói khát, có nhiều người thương nhưng cũng lắm người hắt hủi. Tủi nhục, mặc cảm, nói chuyện với người khác mà còn không dám nhìn thẳng mặt. Lúc bế tắc, chị tự làm thơ về cuộc đời mình:
“Đời bất hạnh sanh nhầm thời khổSống trên đời không chỗ nương thânSanh ra cha mẹ không gầnAnh em xa cách lập thân một mìnhSống đời thiên hạ miệt khinhMai sau nhắm mắt được nhìn người thân”.
Bước chân lưu lạc đã đưa chị đến nương náu nơi cửa chùa. Gần mười năm nghe tiếng mõ, lời kinh chưa thể níu kéo chị theo con đường thoát tục, nhưng cũng đã giúp chị hiểu ra phần nào triết lý sống hướng thiện của nhà phật. Nhưng chị nghĩ thế chưa phải là đủ, cuộc sống là cần phải biết vươn lên, có hoạt động xã hội mình mới có điều kiện nhiều hơn để giúp đỡ người khác. Thế là chị hoàn tục bắt đầu cuộc lập nghiệp đầy gian lao bằng những gánh đồ chay bán dạo. Nhờ tính tình hiền hậu, dễ gần nên việc buôn bán của chị ngày một thuận lợi. Có chút vốn liếng, chị thuê sạp bán đồ chay tại chợ huyện Bình Đại, rồi mua được nhà mở tiệm quy mô hơn, tiền lời kiếm ngày một khá.
* Đã quyết thì làm tới cùng
Năm 2000, khi công trình cống đập Ba Lai đầu tư xây dựng, chị Vân nghĩ rằng nơi này có thể trồng cây ăn trái và nuôi thủy sản được. Vào cái thời “mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời”, thế là chị gom góp vốn liếng dành dụm được, bán miếng đất ngoài thị trấn và vay ngân hàng để đầu tư mua miếng đất gần 4 ha cặp sông Ba Lai với mong muốn trồng cây, nuôi cá. Lúc đó, nhiều người khuyên can, cho rằng sao chị liều thế: trong khi người ta ùn ùn mua đất ở ngoài thị trấn, thị tứ, còn chị lại tìm đất toàn là rừng lức, chà là, bần... mà mua. Chị Vân kể: “Đất đai cả vùng này gần như bỏ hoang hết. Tui phải tiến hành cải tạo đào ao nuôi cá và lên liếp trồng cây ăn trái. Cây tạp được đốn hạ làm củi chụm cho tới bây giờ vẫn chưa hết. Lúc đầu chẳng có kinh nghiệm gì về nuôi cá, nhưng vì ham thích nên quyết làm cho bằng được, vậy thôi!”.
Năm đầu tiên chị đổ vốn vào nuôi cá rô, nhưng đến mùa vụ kêu lái lại bán thì ngặt nỗi... kéo lên chẳng có con cá rô nào. Do giữ bờ bao không tốt, cá lóc vào ao ăn hết cá nuôi. Nhưng trong cái rủi còn có cái may, vụ đó chị thu hoạch được hơn tấn cá lóc, bán ra không chỉ hoàn được vốn mà còn lời được một ít. Chị Vân cười nhớ lại: “Lúc đó, tui phải trả tiền xe cho lái mua cá rô và còn bị cự nự um xùm vì chẳng mua được con cá nào. Đó được xem là cơ duyên để tui nuôi cá lóc và đã thành công cho đến bây giờ”. Trang trại được thiết kế các khu gồm ao nuôi cá lóc, cá sấu, ba ba. Trên bờ trồng cây so đũa, bưởi, mai, xoài để tạo bóng mát và có khoản thu nhập không nhỏ. Trong đó, 4 ao nuôi cá lóc bông có diện tích 9.000 m2, 1 ao nuôi cá tra 3.000 m2, ao nuôi cá sấu 1.000 m2, sắp tới chị mở rộng thêm diện tích nuôi heo rừng, bởi có thể tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong vườn. Mỗi năm, lợi nhuận từ mô hình kinh tế trang trại của chị khoảng 1 tỉ đồng, nhờ liên kết nuôi các loại cá và tận dụng nguồn thức ăn giá rẻ ở địa phương.
Chị Vân quan niệm: nuôi con cá như là nuôi đứa con của mình, phải lo từng ly từng tí và đặc biệt là phải ham thích công việc mình làm. Phải làm việc bằng tất cả cái tâm của mình mới thành công được. Chị kể, hồi mới nuôi chưa có kinh nghiệm cũng lo lắng lắm, nhiều đêm phải thức giấc ra soi đèn để xem con cá ngủ thế nào, ăn thế nào. Bây giờ, chuyện nuôi cá trở nên rất dễ dàng rồi, chỉ cần nhìn cá ăn là biết chúng có bệnh gì hay không, cách điều trị ra sao. Qua quá trình nuôi, chị đã rút tỉa được kinh nghiệm trị bệnh cho cá bằng bài thuốc dân gian, nhưng hiệu quả rất tốt, đó là trộn chung thức ăn với cỏ mực, muối giúp cá phòng bệnh ghẻ lở và dễ tiêu hóa. Yếu tố quan trọng là đầu vào, đầu ra sản phẩm. Để chủ động nguồn thức ăn giá rẻ cho cá, chị đã tạo được mạng lưới với hàng trăm tàu cung cấp cá tạp. Bằng cách chị ứng vốn trước cho những chủ tàu đánh bắt hoặc chuyên bỏ mối cá để họ chừa những loại cá nhỏ bán lại cho mình. Chị tính với cách làm này đã giảm chi phí từ 1.000-2.000 đ/kg thức ăn cho cá so với những người nuôi cá khác. Đó cũng là bí quyết mà nhiều trang trại ở Bến Tre không đạt được sự thành công như trang trại của chị.
Tuổi thơ cơ cực chính là động lực giúp chị vươn lên trong cuộc sống; tính quyết đoán giúp chị thành công trong nhiều công việc. Chị nói: “Tui đã quyết chuyện gì là bằng mọi giá phải làm cho bằng được. Như hồi mua chiếc xe jeep và tập lái ai cũng cười cho rằng đàn bà, con gái ai đời đi học lái xe jeep. Nhưng giờ đi đây đi đó, tui tự lái xe đi...”.
* Hết lòng vì người khác
Đó không hẳn là những lời đánh giá “cửa miệng” mà những người xung quanh khi có dịp nói về chị. Chị Nguyễn Thị Lệ, ở thị trấn Bình Đại, một trong những người làm công tại trang trại của chị Vân, người đã từng được chị Vân giúp đỡ ít nhiều. Theo chị Lệ, chị làm việc tại trang trại của chị Vân đã được vài năm, mỗi tháng chị được trả công khoảng 1 triệu đồng và bao tiền ăn. Khi được hỏi về chị Vân, chị Lệ chia sẻ: tui đã làm cho chị Vân được mấy năm nay, thu nhập cũng ổn định lo được cho gia đình. Chị Vân tốt bụng lắm, khi nhà tui khó khăn hay thiếu tiền xoay sở chị Vân đều giúp đỡ. Không chỉ tui, mà mấy người khác làm chung cũng được chị Vân giúp đỡ lúc khó khăn nữa. Thái độ cư xử thì rất tốt, chuyện gì của người làm thì chị Vân cũng làm được, chứ không hề phân biệt giữa người làm và bà chủ.
Còn chị Phạm Thị Bé Hai, ở xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri cho biết, chị làm bạn với chị Vân đã được 5, 6 năm nay, thân như chị em ruột thịt trong nhà. Chị Bé Hai nói: “Tính chị Vân hay giúp đỡ, thương người. Ai gặp khó khăn chị đều sẵn lòng giúp mà không hề suy tính thiệt hơn. Gia cảnh chị Vân lại đơn chiếc, ít người thân thuộc nên chị Vân coi tui như chị em trong nhà, các cháu như con khi gặp lúc khó khăn đều hết lòng giúp đỡ, sẻ chia lúc buồn, lúc vui. Vì vậy mà các con của tui đứa nào cũng hết lòng yêu thương, kính trọng chị như mẹ. Tôi còn thấy ở chị sự kiên nhẫn và thái độ quyết tâm, nếu chị Vân muốn làm việc gì thì sẽ cố gắng làm cho bằng được việc đó...”.
Trở thành “đại gia” nhưng chị Vân vẫn giữ nét sinh hoạt giản dị. Chị nói cả năm nay chưa sắm cho mình một bộ đồ mới nào, thường đi đâu thì áo bà ba nón lá, còn ăn thì đã quen ăn chay từ khi ở chùa, bây giờ vẫn thế. Điều đáng quý là chị luôn nghĩ đến những người nghèo khổ bất hạnh như mình ngày xưa. Năm nào cũng vậy, chị dành vài chục triệu đồng để làm từ thiện. Nhiều người vẫn thắc mắc, sao chị không chồng, con thì tài sản sau này ai sẽ hưởng. Chị trả lời không chút đắn đo: “Nếu mai này có chết đi, một phần lớn tài sản để dành giúp đỡ cho những người nghèo khổ. Như vậy là tui đã vui rồi!”.