00:00 Số lượt truy cập: 2637353

Bình Định: Mô hình tưới tiết kiệm ứng phó với hạn hán, nâng cao hiệu quả sản xuất 

Được đăng : 03/11/2016

Trong điều kiện hạn hán, thiếu nước liên tục xảy ra trong thời gian gần đây gây ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nhiều biện pháp kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho cây trồng đang được áp dụng trên địa bàn tỉnh Bình Định bước đầu khắc phục tình trạng khô hạn, nâng cao năng suất cây trồng.



Nông dân Cát Hiệp (huyện Phù Cát) tự chế hệ thống phun mưa tưới cho cây lạc

Ông Nguyễn Văn Hải, ở thôn Chánh Oai, xã Cát Hải (Phù Cát, Bình Định), cho biết: “Khoảng 2 năm nay bà con trong thôn đã lắp đặt thiết bị tưới phun mưa tự động trên ruộng hành, ruộng đậu phụng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm nay thời tiết khắc nghiệt, nhà tôi quyết định đầu tư 5 triệu đồng lắp đặt thiết bị tưới phun mưa để sản xuất 5 sào hành, nhờ áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa giữ được độ ẩm cho cây hành tạo củ, năng suất có tăng hơn trước. Vụ vừa rồi thu hoạch gần 2 tấn hành, bán giá 35.000 đồng/kg, thu được 70 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 40 triệu đồng”.

Ngoài ra, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm theo chảo bốc thoát hơi nước (mini-pan) cho cây trồng cũng đang được nghiên cứu ứng dụng tại Bình Định. Ông Hồ Huy Cường - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, cho biết: Ứng dụng lịch trình tưới nước tiết kiệm theo mini-pan được thực hiện cho cây đậu phụng trên đất cát tại một số vùng ở Bình Định đã tiết kiệm được trên 3.500 mnước/ha, năng suất đậu phụng tăng 17,7% và lãi thuần tăng 1,7 lần. Mini-pan cũng được ứng dụng cho vườn xoài cát Hòa Lộc 16 năm tuổi trồng trên đất cát tại huyện Phù Cát cho năng suất quả đạt 17,9 tấn/ha, cao hơn 24,8%; lượng nước sử dụng 403 m3/ha và ít hơn 346 m3/ha; tỉ lệ quả loại 1 đạt 38,3% và cao hơn 1,9% so với tưới nước theo cách truyền thống trước đây.

Ông Vũ Quốc Bảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cát, cho biết: Trước tình hình nguồn nước tưới tại các hồ chứa trên địa bàn huyện giảm mạnh, UBND huyện đã chỉ đạo cho ngành chức năng và chính quyền các địa phương củng cố các tổ, đội thủy nông điều tiết nước tưới, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước vào thực tế sản xuất vụ hè thu năm nay, ngoài 1.600 ha đất màu chuyên sản xuất các loại cây trồng cạn, vụ sản xuất này huyện còn chuyển đổi 550 ha diện tích đất sản xuất lúa không chủ động được nước tưới sang sản xuất 150 ha đậu phụng, 300 ha bắp và 50 ha vừng.

Ông Nguyễn Văn Trượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định, đánh giá: Thực tế áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước cho cây trồng đã mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước cho một số cây trồng như lúa, lạc, xoài, một số loại rau đậu ở Bình Định cho thấy năng suất tăng từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50% và tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%. Về mặt môi trường, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước sẽ giảm ô nhiễm môi trường nhờ sử dụng hợp lý và tiết kiệm phân bón, hạn chế suy thoái tài nguyên nước ngầm do khai thác quá ngưỡng cho phép vào mùa khô hạn. Một lợi thế quan trọng nữa, đó là áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước có thể tạo ra phương thức sản xuất nông nghiệp mới trên những vùng đất dốc, vùng đất hoang hóa và nhờ đó mở ra những cơ hội mới cho sản xuất, xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ rừng và phát triển bền vững. Trong điều kiện hạn hán, cạn kiệt nguồn nước như hiện nay tại một số địa phương trong tỉnh Bình Định thì giải pháp tưới tiết kiệm nước là yêu cầu cấp bách cần phải đẩy mạnh áp dụng.

 Đinh Văn Toại

Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định