00:00 Số lượt truy cập: 3228984

Bộ NN & PTNT: Hướng dẫn biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp 

Được đăng : 03/11/2016

Ngày 15 tháng 3 năm 2013, Bộ NN & PTNT đã ban hành Thông tư Số: 19/2013 /TT-BNNPTNT hướng dẫn biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp đối vỡi từng lĩnh vực cụ thể.


Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản và diêm nghiệp.

Theo đó, để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, cần quy hoạch hợp lý; đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo giống, phát triển cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học năng suất cao, chất lượng tốt; Ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo và phổ biến các giống cây trồng mới có khả năng chống chịu hạn, úng, mặn và chống chịu sâu bệnh; Điều chỉnh linh hoạt cơ cấu mùa vụ phù hợp với từng vùng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với từng loại đất canh tác; Sử dụng hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ưu tiên áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên đồng ruộng bằng biện pháp phòng trừ tổng hợp; Thu gom, tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, vỏ trấu, bã mía,...) để làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác như: trồng nấm, sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, chất đốt, sinh khối (biomass) sử dụng cho các nhu cầu sinh hoạt, chế biến, bảo quản nông sản.

Trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, cần quy hoạch chuồng trại hợp lý, triệt để sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên khi thiết kế và xây dựng chuồng trại, hạn chế sử dụng các loại bóng đèn sợi đốt để chiếu sáng và sưởi ấm trong các trang trại chăn nuôi; Xây dựng và phát triển công trình, thiết bị khí sinh học (biogas) tại các hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi để xử lý chất thải chăn nuôi tạo nguồn năng lượng sinh học; Xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín theo tiêu chuẩn tiên tiến, công nghệ sạch, tiết kiệm nước, giảm rơi vãi thức ăn; sử dụng phù hợp thức ăn cho  từng đối tượng vật nuôi và giai đoạn sinh trưởng, sinh sản. Hạn chế sử dụng dư thừa dinh dưỡng trong chăn nuôi; Áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi hợp lý, đảm bảo vệ sinh và các biện pháp phòng bệnh chặt chẽ nhằm giảm thiểu hao hụt đầu con, đồng thời giảm tiêu tốn năng lượng khi tiêu hủy vật nuôi bị ốm, chết; Ưu tiên nghiên cứu chọn tạo và phổ biến các giống vật nuôi mới cho năng suất cao, ít tiêu tốn thức ăn cho một đơn vị sản phẩm.

Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực thủy lợi; lĩnh vực lâm nghiệp; trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; lĩnh vực khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; lĩnh vực diêm nghiệp; lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản và muối và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các làng nghề./.