00:00 Số lượt truy cập: 3230623

Bốn vấn đề cần quan tâm trong thực hiện CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn 

Được đăng : 03/11/2016
Năm 2008, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn nước ta, nhưng với kinh nghiệm và sự "chèo lái" linh hoạt của Ðảng, Chính phủ và đặc biệt là sự cố gắng của các ngành, các cấp và bà con nông dân, nông nghiệp, nông thôn nước ta đạt nhiều thành tựu quan trọng. Hiện nay, mối quan tâm hàng đầu của Ðảng và Nhà nước ta chính là vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 

Năm 2008, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,6%; giá trị GDP tăng 3,79% so với năm 2007; xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản đạt 16,7 tỷ USD, đạt mức cao nhất so với mấy năm trở lại đây, trong lĩnh vực nông nghiệp đã có 6/10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD. Ðặc biệt, GDP nông nghiệp chỉ đóng 21,7% vào cơ cấu kinh tế chung, nhưng đóng góp rất quan trọng vào sự ổn định chính trị, xã hội trong bối cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế, ngoài bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, tạo thêm hơn 1,6 triệu việc làm, giảm hộ nghèo xuống còn 13,1% năm 2008; GDP bình quân đầu người tăng từ 835 USD năm 2007 lên 1.047 USD/người năm 2008...

Nông nghiệp là ngành có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh kém, chịu nhiều rủi ro về thiên tai, thời tiết và cơ chế thị trường. Ðể đạt được mục tiêu CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn theo mục tiêu mà Nghị quyết Hội nghị T.Ư lần thứ 7 (Khóa X) đề ra "về nông nghiệp, nông dân, nông thôn", trong thời gian tới, chúng ta  tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa trên tất cả các mặt, trong đó chú trọng đến bốn vấn đề sau:

Thứ nhất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Hiện nay, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong cơ cấu chung còn rất chậm, hiệu quả thấp. Trong cơ cấu kinh tế chung của cả nước, năm 2008, GDP nông nghiệp đã giảm còn 20,7%, nhưng tỷ trọng trồng trọt vẫn chiếm khoảng 70% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành. Cơ cấu lao động ở nông thôn chuyển dịch chậm. Tổng lao động nông thôn hiện chiếm 75% lao động cả nước, trong đó số lao động đang làm việc trong ngành nông nghiệp chiếm 55,7% tổng lao động xã hội. Về giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đến nay mới đạt khoảng 29 triệu đồng/ha, một số vùng đạt bình quân còn rất thấp (vùng Tây Bắc chỉ đạt 10,9 triệu đồng/ha); 12 triệu ha đất rừng mới đạt khoảng

7 triệu đồng/ha; xuất khẩu gỗ tuy đạt gần ba tỷ USD, nhưng vẫn phải nhập gần 50% nguyên liệu từ nước ngoài, làm giảm thu nhập trong nước... Do vậy, để thực hiện mục tiêu CNH, HÐH và phát triển bền vững, thì trước hết cần khắc phục những hạn chế nêu trên, thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn. Trước hết, tiến hành quy hoạch có chất lượng, hợp lý đất đai và các nguồn lực gắn với tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa; trong đó, quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả gần bốn triệu ha quỹ đất lúa, hơn 700 nghìn ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản; có cơ chế để bảo đảm nâng cao hiệu quả hơn bốn triệu ha đất nông, lâm trường quốc doanh đang quản lý và hàng chục triệu ha đất  rừng đã quy hoạch. Ðây coi là bước đột phá quan trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.

Thứ hai, nâng cao chất lượng trong nông nghiệp thông qua việc đẩy mạnh đầu tư khoa học, công nghệ và đưa công nghiệp vào nông thôn. Trước hết, cần chuyển dịch mạnh hơn cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; thực hiện tốt chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; chương trình "3 giảm, 3 tăng"; các dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ sản xuất; thực hiện tốt các quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm chi phí (điện, nước, phân bón); giảm nhập khẩu nguyên liệu "đầu vào" của công nghiệp chế biến thông qua phát triển vùng nguyên liệu có chất lượng. Hình thành và phát triển có chất lượng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề ở nông thôn; thúc đẩy việc đưa công nghiệp, dịch vụ vào phục vụ sản xuất; khắc phục tình trạng phát triển tự phát, thiếu quy hoạch và quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ bé ở nông thôn. Cùng với đẩy mạnh chương trình khuyến công, tăng cường đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn đến 2010 đạt khoảng 30%, tạo ra bước đột phá để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn; bảo đảm đến 2010 còn 50% là lao động nông nghiệp như Nghị quyết Ðảng đã đề ra.

Thứ ba, tăng đầu tư cho nông nghiệp, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng CNH, HÐH. Nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu (thủy lợi tưới tiêu, thoát lũ; giao thông nông thôn, đường đến các thôn bản; hệ thống tải điện và cung cấp điện; thông tin liên lạc...) ở các vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Tăng cường quy hoạch, đầu tư và quản lý về xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, bảo đảm cảnh quan, môi trường và văn hóa truyền thống nông thôn Việt Nam. Quan tâm đến tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và ảnh hưởng của lũ, bão hằng năm, nhất là vùng ven biển, vùng núi; giảm tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, nhất là vùng ven đô, khu công nghiệp. Cùng với tăng đáng kể nguồn đầu tư từ ngân sách, cần huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, rà soát, giảm thiểu các khoản đóng góp của nông dân, tăng năng lực sản xuất của hộ, các trang trại, HTX và các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao thu nhập dân cư nông thôn. Ðây là những vấn đề căn bản để khắc phục nhanh chênh lệch về mức sống, mức hưởng thụ giữa nông thôn và thành thị.

 
Lực lượng lao động có trình độ chuyên môn ngày càng tăng lên. Ảnh: Báo ảnh Đất mũi

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cùng với việc đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Ðảng, cần nâng cao hiệu quả điều hành và quản lý của bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp từ Trung ương đến cơ sở. Trước mắt cần nhanh chóng thống nhất các tổ chức ngành nông nghiệp; bố trí đủ số lượng cùng với đổi mới về chính sách cán bộ để tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ quản lý chuyên ngành trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thú y, kiểm dịch và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát huy kết quả thực hiện chủ trương dân chủ cơ sở, nhất là các vấn đề liên quan đến xây dựng hạ tầng ở nông thôn; giữ vững kỷ cương và chấp hành pháp luật Nhà nước trong khu vực nông nghiệp và các vấn đề xã hội ở nông thôn. Huy động sự tham gia của các đoàn thể chính trị, xã hội và các hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Tóm lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của nông nghiệp và kinh tế nông thôn bắt đầu từ việc nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp; có các giải pháp mạnh mẽ, thiết thực để thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, phát triển toàn diện nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong thời kỳ CNH, HÐH. Ðây vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm không chỉ riêng ngành nông nghiệp, mà là của cả hệ thống chính trị. "Chỉ có sự cố gắng tự lực khắc phục mọi khó khăn, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, là cơ sở tiên quyết để nông nghiệp, nông thôn nước ta phát triển mạnh mẽ và hiệu quả" như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh khi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian vừa qua.

Hy vọng bước vào năm Kỷ Sửu 2009, nông nghiệp, nông thôn nước ta sẽ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả hơn.