00:00 Số lượt truy cập: 2660144

Bùn thải ao nuôi tôm - phân hữu cơ giá rẻ 

Được đăng : 03/11/2016
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ Bình Định đang tiến hành nghiên cứu xử lý bùn thải ao tôm làm phân bón. Giải pháp này không chỉ tạo được một loại phân hữu cơ giá rẻ, tốt cho cây trồng, mà còn góp phần giải quyết một phần vấn đề ô nhiễm môi trường từ nuôi tôm.



Đây là mục tiêu của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm vi sinh vật phục vụ xử lý môi trường nước nuôi trồng thủy sản, xây dựng quá trình thu gom và xử lý bùn thải ao nuôi tôm ở Bình Định” do kỹ sư Lê Ngọc Hùng- Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ Bình Định- thực hiện.
Từ trước đến nay, bùn thải từ đáy ao sau quá trình nuôi tôm được người dân đắp lại trên bờ ao hoặc đổ ở ven biển… Chất bùn thải này chưa qua xử lý và còn mang nhiều mầm bệnh, vì vậy, nguy cơ gây ô nhiễm trở lại ao nuôi tôm là rất lớn. Trong khi đó, chất bùn thải trong quá trình nuôi tôm có một lượng chất hữu cơ nhất định có thể tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Kỹ sư Lê Ngọc Hùng cho biết: “Qua phân tích mẫu bùn thải ao tôm (tại Trung tâm Phân tích- Kiểm nghiệm Bình Định) cho thấy, bùn thải ao tôm có hàm lượng hữu cơ thấp hơn phân chuồng, nhưng hàm lượng muối khá cao. Vì vậy, để tạo ra một loại phân hữu cơ từ loại bùn thải này, chúng tôi đã bổ sung thêm mụn dừa (còn gọi là cám dừa) và các loại phân hữu cơ khác theo một lượng nhất định, tùy theo loại cây trồng để tăng hàm lượng chất hữu cơ và giảm tối đa hàm lượng muối. Giá thành của loại phân vi sinh từ bùn thải ao tôm này rất rẻ, khoảng 10.000 đồng/100kg nếu không tính chi phí chuyên chở”.

Quy trình ủ phân khá đơn giản. Sau khi thu hoạch tôm, xả cạn nước, bùn lắng ở đáy ao được thu gom, phơi khô. Sau đó, trộn với chế phẩm vi sinh rồi ủ kín bằng bạt nylon, từ 7-10 ngày; dưới tác động của vi sinh, hỗn hợp phân hủy sẽ không còn mùi hôi. Mang hỗn hợp này trộn với mụn dừa tạo thành phân bón hữu cơ. Hiện tại, loại phân bón làm từ bùn thải này đang được ứng dụng thử nghiệm qua mô hình trồng hành của ông Nguyễn Hữu Đại ở Mỹ Thọ, Phù Mỹ. Với diện tích 1.000 m2 , trồng được 2 tháng, gia đình ông Đại đã thu hoạch được gần 2 tấn hành, năng suất tăng gấp đôi các vụ trước. Ông Đại cho biết: “Khi bón loại phân làm từ bùn thải ao tôm cho cây hành, bước đầu tôi nhận thấy năng suất tăng cao, trong khi chi phí đầu tư giảm. Vì so với các vụ trước, lượng phân hóa học dùng để bón cho hành giảm hơn một nửa”. Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu khả quan, nhưng để có những kết quả khoa học mang tính ổn định, trong năm 2007, những người thực hiện đề tài sẽ tiếp tục thử nghiệm loại phân hữu cơ này trên cây hành, cây lúa và các loại cây trồng khác.

Theo ước tính, mỗi ao tôm 3.000 m2 thải khoảng 6m3 bùn đáy/vụ nuôi, chỉ tính riêng xã Mỹ An (Phù Mỹ), mỗi năm đã có khoảng 1.000 m3 chất bùn thải ao tôm. Nếu tính trên phạm vi cả tỉnh thì số lượng bùn thải trong quá trình nuôi tôm sẽ rất lớn. Vì vậy, đây là một giải pháp giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do bùn đáy ao tôm gây ra, đồng thời, tạo ra được một loại phân bón hữu cơ giá rẻ, có hiệu quả.