00:00 Số lượt truy cập: 2670942

Cà phê gặp khó, nông dân khốn đốn 

Được đăng : 03/11/2016

Không nằm ngoài vòng xoáy của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên thị trường nông sản thế giới, cà phê Việt Nam đã sụt giá mạnh chưa từng có trong những tháng vừa qua, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân.


Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vinacas), từng đạt tới 2.520 USD/tấn vào tháng 2/2008, giá cà phê Việt Nam xuất khẩu đã giảm xuống 2.000 USD/tấn vào tháng 9 và chỉ còn khoảng 1.480 USD/tấn.vào tháng 11.

Nếu so với giá đầu năm, người nông dân đã mất đi khoảng 14 - 16 triệu đồng mỗi tấn cà phê. Nhiều chuyên gia kinh tế ở Đắk Lắk, thủ phủ cà phê Việt Nam, tính toán rằng với sản lượng được mùa và giá bán rớt thê thảm như hiện nay, mức thiệt hại của nông dân lên đến khoảng 400 triệu USD so với thời kỳ hoàng kim.

Trượt theo giá, sản lượng xuất khẩu cà phê cũng sa sút mạnh tại nhiều trường lớn như Đức, Mỹ, Italy. Thống kê 11 tháng qua cho thấy, lượng cà phê xuất khẩu đã giảm trên 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nội tại cũng còn nhiều bất cập

Được ghi nhận là một nông sản xuất khẩu chủ lực, mang về hàng tỷ đôla mỗi năm, làm giàu cho không ít “doanh nhân chân đất,” nhưng cây cà phê vẫn chịu nhiều thiệt thòi từ chính những bất cập trong quy hoạch phát triển, tính thiếu chuyên nghiệp trong khâu dự báo thị trường, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

Việt Nam đã là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được 2 năm nhưng một mặt hàng có giá trị xuất khẩu khoảng 2,2 tỷ USD trong năm 2008 như cà phê vẫn chủ yếu được xuất khẩu dưới thương hiệu của nhà nhập khẩu. Trong khi đó, khâu chế biến chưa được đầu tư, khiến giá bán cà phê Việt Nam không tương xứng với tiềm năng, chi phí và chất lượng thực tế.

Bởi vậy, dù ở một nước chiếm ngôi vị á quân thế giới về xuất khẩu cà phê nói chung và đứng đầu về chất lượng cà phê Robusta, người nông dân Việt Nam vẫn nhiều phen điêu đứng vì cảnh “được mùa, rớt giá,” và nay lại khốn đốn do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc khủng hoảng trên thị trường nông sản thế giới.

Lối thoát: Sàn giao dịch điện tử?

Nhằm khắc phục một phần những bất cập trong hoạt động mua bán và xuất khẩu cà phê ở Việt Nam, lãnh địa cà phê lớn nhất nước là tỉnh Đắk Lắk ở Tây Nguyên đã chủ trì xây dựng Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột.

Sàn giao dịch nông sản đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng với quy mô quốc gia này chính thức hoạt động từ ngày 11/12 vừa qua, theo phương thức đấu giá khớp lệnh tập trung.

Theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Tuấn Hà, đồng thời là Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, việc hình thành trung tâm này nhằm tạo ra một kênh lưu thông mới, giúp doanh nghiệp và các đối tượng liên quan, đặc biệt là nông dân, tiếp cận với một hình thức giao dịch thương mại hiện đại, cạnh tranh minh bạch, công khai.

Không chỉ thế, người nông dân còn được cung cấp thông tin miễn phí về diễn biến thị trường cà phê trong nước và thế giới. Giao dịch tại trung tâm cũng sẽ tránh được nhiều rủi ro về bảo quản hàng hoá cho nông dân so với phương thức bán cho các lái buôn như hiện nay.

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành và phê theo đó ổn định diện tích ở mức khoảng 500.000 ha, nâng cao năng suất và chất lượng hạt cà phê.

Một đề án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành cà phê trong 10 năm tới cũng vừa được thông qua với tổng vốn đầu tư gần 33.000 tỷ đồng để đạt mục tiêu đưa toàn bộ sản phẩm cà phê Việt Nam được sản xuất, chế biến hợp chuẩn và giao dịch bình đẳng trên thị trường quốc tế./.