00:00 Số lượt truy cập: 3230854

Cần hỗ trợ cho người nuôi tôm đầu tư tái sản xuất 

Được đăng : 03/11/2016

Do thời tiết nắng nóng kéo dài, thiếu nguồn nước… nên thời gian qua, tại nhiều địa phương, tình trạng tôm chết đã xảy ra. Đến nay, Bạc Liêu đã có trên 2.000ha tôm nuôi bị thiệt hại. Tôm chết hàng loạt khiến người nuôi tôm trong tỉnh đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kịp thời điều tiết nước, đồng thời hướng dẫn người dân khắc phục diện tích tôm chết, ổn định sản xuất, đời sống.


Những ngày cuối tháng 3/2009, chúng tôi về huyện Giá Rai, địa phương có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nhiều nhất (trên 800ha), chủ yếu là mô hình nuôi quảng canh. Ông Liên An Lộc, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Giá Rai, cho biết: “Từ lúc nhận được tin báo xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt do nắng nóng, do thiếu nước, chúng tôi đã cử cán bộ kỹ thuật theo dõi sát tình hình, đồng thời báo cáo về trên để có biện pháp điều tiết nước kịp thời cho người dân sản xuất. Đến nay, số diện tích bị thiệt hại đã được khắc phục, phần lớn người dân đã đi vào sản xuất ổn định”.

Để tìm hiểu về công tác chỉ đạo khắc phục diện tích tôm bị thiệt hại, chúng tôi đến xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai. Trên những đầm tôm nuôi theo mô hình quảng canh của những người dân trong xã, không khí sản xuất như chùng xuống. Chính quyền địa phương đang nỗ lực khuyến khích người dân cải tạo ao nuôi, thả giống mới để khắc phục diện tích tôm bị thiệt hại. Phong Thạnh Tây là một trong những xã thuộc huyện Giá Rai có diện tích tôm chết nhiều nhất, gồm 482ha (252 hộ nuôi). Chỉ tính riêng tại ấp 1 của xã này, đã có 350ha bị thiệt hại. Ông Lê Quốc Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Sau khi tình trạng tôm chết xảy ra hàng loạt, chúng tôi đã khẩn trương chỉ đạo cán bộ các ấp đến từng hộ vận động người dân cải tạo vuông tôm, tiến hành thả giống mới. Đến nay, số diện tích được khắc phục đã trên 70%”.

Tại các huyện Phước Long, Hồng Dân, Đông Hải, chính quyền địa phương cũng đang khẩn trương chỉ đạo, khuyến khích người dân khắc phục hậu quả, tranh thủ cải tạo lại vuông tôm, xử lý môi trường… để thả lại giống. Công tác chỉ đạo khắc phục diện tích tôm bị thiệt hại đang được ngành Nông nghiệp và các địa phương ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, theo chúng tôi, để người dân có điều kiện tiếp tục đầu tư tái sản xuất, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp hỗ trợ cho người dân về nguồn giống, nhất là đối với những hộ thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách… vì những đối tượng này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư tái sản xuất.