00:00 Số lượt truy cập: 2677709

Cần quan tâm tạo việc làm cho lao động nữ nông thôn 

Được đăng : 03/11/2016

Theo điều tra của Bộ LĐTB&XH, hàng năm nước ta có khoảng 1,1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, trong đó khu vực nông thôn có tới 50,3% là LĐ nữ, tương đương khoảng 16 triệu người.


80% dân số nước ta ở khu vực nông thôn, nên lực lương lao động nữ ở khu vực này chiếm một lượng đáng kể (50,3%), trong khi các lao động nam lên các thành phố lớn để tìm việc ngày càng tăng gây ra sự mất cân bằng về lực lượng LĐ tại các vùng quê.

Vì vậy, tạo việc làm cho lao động nữ ở nông thôn cần được quan tâm đúng mức và có hướng đi bền vững, phát triển lâu dài.

Theo điều tra của Bộ LĐTB&XH, hàng năm nước ta có khoảng 1,1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, trong đó khu vực nông thôn có tới 50,3% là LĐ nữ, tương đương khoảng 16 triệu người. Vì thế, sức ép về tạo việc làm cho LĐ nữ ở nông thôn luôn ở mức cao. Nhưng giải quyết bài toán việc làm cho lực lượng lao động này không hề đơn giản bởi vẫn còn đang tồn tại nhiều bất cập và hướng đi chưa đúng.

 

Học vấn thấp

 

Nữ giới trong độ tuổi LĐ tại các vùng quê hiện có trình độ học vấn còn thấp, thậm chí nhiều người hiện vẫn còn mù chữ. Nguyên nhân là bởi tâm lý của nhiều ông bố bà mẹ tại các miền quê vẫn chưa thay đổi. Sự bất bình đẳng giới trong xã hội hiện nay vẫn còn, và tại nông thôn càng thể hiện rõ. Điều đầu tiên là vấn đề học vấn bị hạn chế nhiều. Con gái chỉ cần học hết THCS, biết đọc biết viết là xong, học nhiều cũng chẳng làm được gì. Chính cái tâm lý bảo thủ và thiếu hiểu biết này của một bộ phận những người dân ở nông thôn đang đẩy các em nữ vào một tương lai u tối, không có việc làm ổn định.

Tại xã Hồng Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình tìm đỏ mắt mới có một gia đình có con gái học đến bậc CĐ-ĐH. Tại xã này, con gái học xong THCS hoặc cao hơn là THPT là nghỉ học đi làm giúp bố mẹ. Không chỉ tại Thái Bình, mà các vùng quê ở các tỉnh khác, đặc biệt ở ĐBSCL cũng vậy. Rõ ràng đây là một rào cản lớn trong quá trình xây dựng NNNT theo hướng hiện đại hoá. Một người không biết chữ thì không thể tiếp thu được những cái đơn giản nhất chứ chưa nói đến việc học nghề và tiếp thu công nghệ mới. Vì vậy có thể khẳng định, trình độ tay nghề của LĐ nữ ở nông thôn hiện nay ở mức thấp do hạn chế về trình độ văn hoá và điều tất yếu là sẽ ảnh hưởng đến năng suất LĐ.

 

Làn sóng di cư ngày một tăng

 

Không chỉ nam giới mà LĐ nữ di cư cũng ngày một tăng. Không có việc làm ổn định, nhiều LĐ nữ ở nông thôn đang tìm cách thoát khỏi cái nghèo bằng cách di cư lên các thành phố lớn hay đi xuất khẩu LĐ. Điều này đang tạo ra thực trạng khan hiếm LĐ tại các vùng quê. Chỉ riêng TPHCM có trên một triệu người, còn ở Hà Nội là trên 400 nghìn người từ các vùng trên cả nước tràn vào kiếm sống, trong đó hơn một nửa là nữ.

Tại một số miền quê, hiện chưa có làng nghề, vì thế, sau mùa vụ làm nông nghiệp, nhiều người ở trong tình trạng nông nhàn, không có việc để làm. Giải pháp đưa ra là đi làm thuê trên các thành phố lớn. Nhà ông Đỗ Văn Chiến, xã Hồng Giang, huyện Đông Hưng, Thái Bình có 7 người con gái thì có đến 6 người đã bỏ học đi làm tại các tỉnh như Hà Nội, Đồng Nai, TPHCM. Những gia đình khác trong xã này cũng ở trong tình trạng tương tự khi phong trào đi làm mạnh hơn phong trào đi học.

Tình trạng LĐ nữ ở nông thôn không có việc làm ổn định đang tạo ra xu hướng di cư ngày càng tăng. Sự di cư tự do của các LĐ nữ này không chỉ gây mất cân bằng tỉ lệ NLĐ tại các tỉnh mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan các dịch bệnh cũng như tệ nạn xã hội.

 

Để giải quyết thực trạng LĐ nữ ở nông thôn hiện nay, ngoài việc Nhà nước cần hỗ trợ về vốn để họ có thể sản xuất ngay tại quê hương, còn phải tạo điều kiện cho họ được học văn hoá, nâng cao trình độ dân trí, thay đổi nhận thức của họ về LĐ. Từ đó mới có thể tạo đà cho việc xoá đói giảm nghèo tại các vùng nông thôn và phát triển bền vững.