Năm 2011, sau khi Trifluralin bị cấm trong nuôi trồng thủy sản, với sự kết hợp, giám sát và kiểm soát của các cơ quan chức năng và DN, các lô hàng XK bị nhiễm Trifluralin đã giảm rõ rệt. Từ tháng 7/2011 chỉ còn 1 – 2 lô bị cảnh báo mỗi tháng. Tuy nhiên, năm 2012, ngành thủy sản vẫn phải tiếp tục nỗ lực kiểm soát Trifluralin để đề phòng sự xuất hiện trở lại và duy trì kết quả đã đạt được.
Đối với việc kiểm soát dư lượng Enrofloxacin trong sản phẩm thủy sản XK năm 2011, nét nổi bật là tần suất cảnh báo Enrofloxacin tăng nhanh chủ yếu trong mặt hàng tôm XK sang thị trường Nhật Bản trong 7 tháng cuối năm. Cụ thể, trong 7 tháng có đến 56 lô tôm bị cảnh báo mặc dù các DN đã có nhiều cố gắng ngăn chặn, nhưng việc giải quyết triệt để chất này trong sản phẩm thủy sản XK là việc nằm ngoài khả năng kiểm soát của DN. Riêng tháng cuối năm 2011, tình trạng tồn dư Enrofloxacin ở mức rất cao và có đến 12 lô tôm nhiễm chất này bị phía Nhật Bản cảnh báo. Do đó, bước sang năm 2012, vấn đề kiểm soát chất lượng tôm cần phải được cải thiện hơn nữa.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố trên http://www.mhlw.go.jp, tính đến ngày 17/1/2012, có 4 lô tôm Việt Nam bị cảnh báo tồn dư Enrofloxacin. Đây là một sự khởi đầu không tốt và có thể sẽ gây bất lợi cho thủy sản Việt Nam, đặc biệt là với các DN XK khi muốn củng cố vị trí và mở rộng thị phần tại những thị trường lớn và có yêu cầu cao như Nhật Bản, Mỹ và EU. Đáng chú ý là một số thị trường khác cũng đã bắt đầu chú ý đến hiện tượng này và sẽ tăng cường kiểm tra, trước tiên là thị trường Mỹ - thị trường lớn thứ 2 về NK tôm của Việt Nam.
Trước tình hình này, ngày 16/1/2011, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tiếp tục gửi công văn lên Bộ NN và PTNT đề nghị ban hành quyết định cấm sử dụng Enrofloxacin trong nuôi tôm để đảm bảo chất lượng nguyên liệu cho chế biến XK, giữ vững uy tín sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây là lần thứ 3 VASEP kiến nghị tới các cơ quan quản lý để giải quyết vấn đề bất cập này và mong muốn Bộ NN và PTNT đưa ra quyết định càng sớm càng tốt.