00:00 Số lượt truy cập: 2675787

Cây lúa VN sẽ đứng chân trên khắp Phi Châu 

Được đăng : 03/11/2016
Ngày 22.6, GS-TS Võ Tòng Xuân - cố vấn nhóm chuyên gia "Xuất khẩu nông dân ĐBSCL sang hướng dẫn nông dân Cộng hoà Sierra Leon trồng lúa" - đã sang Nigeria và Ghana (tây Châu Phi) khảo sát tình hình để lên kế hoạch tham mưu cụ thể cho Chính phủ, Bộ NNPTNT VN chính thức mở rộng thành tựu hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa VN ra toàn "lục địa đen".

Trước giờ lên đường, ông đã dành riêng cho PV Báo Lao Động những thông tin  về chuyến đi mang tính lịch sử, khẳng định vị  thế cây lúa VN và tài trí của nông dân VN trên phạm vi toàn cầu, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước bờ vực thiếu hụt lương thực.

Không thầm lặng, đơn độc như lần đến Sierra Leon trước, chuyến khảo sát này là theo "đặt hàng" hợp tác mà Cty T4M, kinh doanh đa lĩnh vực ở Anh Quốc, rất tín nhiệm trước thành tựu mà nhóm chuyên gia đã gặt hái thành công tại Sierra Leon.

Sau 10 tháng triển khai, chương trình "Xuất khẩu nông dân ĐBSCL sang hướng dẫn nông dân Sierra Leon trồng lúa", nhóm chuyên gia do GS-TS Võ Tòng Xuân làm cố vấn kỹ thuật đã lập nên "kỳ tích" khi lần đầu tiên đưa cây lúa hai vụ đứng chân trên đồng đất nơi đây với năng suất cao gấp đôi, gấp ba so với cây lúa 1 vụ bản địa trước đó.

GS-TS Võ Tòng Xuân cho biết thêm, tuy chưa đưa được một số thiết bị thiết yếu như máy cày... sang phục vụ sản xuất như kế hoạch đã đề ra, nên chưa có điều kiện triển khai một số biện pháp kỹ thuật như: Cày "dập" cỏ hoang hoá..., nhưng với khả năng sáng tạo, cần cù và linh động trước diễn biến của thực tiễn..., nhóm chuyên gia đã tổ chức trồng thành công 2 vụ lúa/năm - với năng suất trên 4 tấn/ha/vụ ngay trên đồng đất 1 vụ - với năng suất chỉ nhỉnh hơn 1 tấn/ha. Hiện nhóm đang trữ được 3 tấn giống tự sản xuất để mùa tới triển khai gieo trồng trên diện rộng".

Đây là điều mà trước đó nhiều quốc gia giàu có trên thế giới, nhiều viện nghiên cứu quốc tế chưa một lần có được, dù đã tiêu tốn vào cả "núi tiền". Chính kỳ tích này, một vị "phó tướng" của Cty - vốn là người gốc Nigeria - đã đánh tiếng với nhóm chuyên gia... sau khi đã thảo thuận xong với chính quyền địa phương đồng ý giao đất để tổ chức cho người dân bản địa tham gia trồng lúa.

GS-TS Võ Tòng Xuân trong buổi trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật canh tác nông nghiệp cho nông dân Sierra Leon.


Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, nhiều khả năng chương trình này sẽ rất thuận lợi và triển vọng thành công rất lớn. Bởi bên cạnh điều kiện thổ nhưỡng tương đối giống vùng ĐBSCL còn có yếu tố hỗ trợ rất quan trọng là năng lực tài chính của Cty T4M, hoàn toàn đủ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của công việc. Bởi thông tin chính thức cho thấy Bộ Đối ngoại của Vương quốc Anh đã đồng ý giới thiệu cho T4M vay 36 triệu USD thực hiện dự án này.

Vì vậy, theo GS Xuân, với kinh nghiệm có được ở Sierra Leon, trước mắt, ông sẽ tiếp tục triển khai mô hình: Sau khi chuyển một số Cty thuỷ lợi sang thi công các công trình dẫn thuỷ nhập điền, sẽ đưa nông dân vùng ĐBSCL sang làm việc theo công thức: 1 nông dân ĐBSCL sẽ huấn luyện 4 nông dân bản địa các công đoạn của quy trình trồng lúa trên diện tích 5ha để làm bàn đạp mở rộng công cuộc trồng lúa lên toàn "lục địa đen".

Qua đó, không chỉ giúp họ "con cá" vượt qua nguy khốn thiếu lương thực, mà thông qua chương trình huấn luyện còn gián tiếp trao cho họ "chiếc cần câu" để tự tạo lương thực một cách căn cơ. Và đằng sau đó là cơ hội cho hạt gạo Việt Nam có chỗ đứng ngay trên quê mới.
 
"Sau chuyến đi này, tôi sẽ kiến nghị Chính phủ một cách cụ thể về đại công trình xuất khẩu nông dân ĐBSCL tiến quân sang bên kia đại dương, hướng dẫn và tổ chức người dân Châu Phi trồng lúa Việt Nam" - GS-TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.