00:00 Số lượt truy cập: 3229291

Chè cao nguyên Mộc Châu khẳng định thương hiệu trên thị trường 

Được đăng : 03/11/2016
Chúng tôi đến Mộc Châu (tỉnh Sơn La) vào những ngày nông dân đang tích cực vào vụ thu hái chè. Vụ thu hái chè này bắt đầu đối với hàng nghìn nông dân trồng chè tại huyện này, cũng như cả chục doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn huyện cũng đang bận rộn với nhiều công việc cho vụ thu hái, sản xuất sản phẩm chè.

Theo những người trồng chè lâu năm ở đây cho biết: hiện nay, huyện Mộc Châu có tới 7 giống chè, là Shan tuyết, chè lai, Bát Tiên, Kim Tuyên, Bảo Ngọc, Ô Long, Ngọc Thuý. Trong đó, giống chè Shan tuyết chiếm tỷ lệ lớn nhất (chiếm khoảng hơn 70% số diện tích cây chè được trồng trong huyện) và đã có thương hiệu riêng rất nổi tiếng, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.

Anh Hoàng Kháng, Giám đốc Công ty Cổ phần chè Chiềng Ve cho biết: "cứ ở đâu có cây chè là ở đấy có doanh nghiệp sản xuất chè và nông dân trồng chè không chỉ có việc làm thường xuyên mà họ còn có thu nhập ổn định. Để sản phẩm chè Mộc Châu cạnh tranh trên thị trường trong thời kỳ hội nhập, doanh nghiệp chúng tôi chú trọng đến chất lượng và giá cả; nếu năng suất cao mà giá thành hạ, chúng tôi sẽ thành công". Hiện, nông dân trong huyện đều được ký hợp đồng bán nguyên liệu chè với các doanh nghiệp trên địa bàn theo giá thị trường và được doanh nghiệp đầu tư trước phân bón, vốn, cùng bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè tươi thu hái trong vườn của họ. Công ty Cổ phần chè Chiềng Ve có 1.310 ha trồng chè nguyên liệu và giao khoán cho 650 hộ trong xã trồng chè; cứ 1 ha đất trồng chè cho sản lượng 7,5 tấn búp chè tươi, một con số không phải vùng đất nào cũng đạt được sản lượng chè tươi như thế. Để đạt sản lượng chè cao trên mỗi ha đất thì Công ty tích cực hướng dẫn cho nông dân phương thức trồng, thâm canh, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, nước tưới cho cây chè đúng qui trình kỹ thuật đồng thời đầu tư vốn để phát triển mạnh cây chè trong dân, do đó hiện nay có một vùng chè nguyên liệu chất lượng tốt. Đã có những hộ trồng chè đạt năng suất trên 12 tấn búp tươi/ha. Trung bình mỗi năm, vùng chè của Công ty đạt 1.300 tấn chè búp tươi, đã xuất xưởng trên 260 tấn chè khô, đạt doanh thu trên 7,6 tỷ đồng, từ chế biến sản xuất các loại chè để bán ra thị trường là chè Shan tuyết, chè xanh, chè sen ...

Trên địa bàn huyện Mộc Châu hiện có tới 12 doanh nghiệp, công ty kinh doanh chế biến sản phẩm chè, trong đó có 3 doanh nghiệp Nhà nước, số còn lại là doanh nghiệp tư nhân. Tìm hiểu thêm về sản phẩm chè, chúng tôi đến Công ty Chè Mộc Châu, một đơn vị thành viên của Tổng Công ty Chè Việt Nam và cũng là công ty kinh doanh chè duy nhất có sản phẩm xuất khẩu chè ra nước ngoài (qua Tổng Công ty Chè). Công ty Chè Mộc Châu là đơn vị lâu năm nhất trong phát triển cây chè ở Mộc Châu với 5 nhà máy chế biến chè, trung bình mỗi ngày Công ty chế biến 50 tấn chè búp tươi. Để có sản lượng chè chế biến, Công ty đầu tư trực tiếp cho 1943 hộ dân trồng chè nguyên liệu cho Công ty với hơn 746 ha, còn lại 598 ha, Công ty giao trực tiếp cho gần 2.000 công nhân của Công ty trồng. Năm 2006, Công ty chế biến trên 11.000 tấn búp chè tươi, đã xuất bán hơn 2.680 tấn chè khô với 7 loại sản phẩm chè; trong đó xuất khẩu sản phẩm chè xanh ra thị trường nước ngoài, còn lại sản phẩm chè được tiêu thụ trong nội địa qua hàng chục đại lý khắp trong cả nước; Công ty đã đạt doanh thu 64 tỷ đồng/ năm. Công ty đã đặt uy tín, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, bằng việc thực hiện nghiêm túc chế độ đầu tư thâm canh cây chè bắt buộc, áp dụng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng qui trình, không sử dụng thuốc BVTV ngoài luồng đồng thời đưa cơ giới vào thâm canh cây chè. Công ty còn hỗ trợ, đầu tư thông qua cơ chế giá, thu mua ổn định, nhằm tạo vùng chè và việc làm cho hàng trăm lao động của 2 xã Vân Hồ, Tô Múa (huyện Mộc Châu).

Toàn huyện hiện có 2.584 ha chè, hàng năm cho sản lượng hàng chục nghìn tấn chè búp tươi. Bước vào vụ sản xuất đông xuân năm 2006 - 2007, trong huyện đã có 310 ha chè trồng mới tập trung ở các xã Tô Múa, Vân Hồ, Chiềng Khoa, Chiềng Sơn, Lóng Sập, Chiềng Yên, Phiêng Luông, Tân Lập, Lóng Luông. Khó khăn hiện nay của một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn huyện, chính là tranh chấp vùng nguyên liệu giữa doanh nghiệp với một số cơ sở sản xuất chè nhỏ lẻ. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Sơn La đã ra quyết định phân công địa bàn, quy định trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các doanh nghiệp và hộ nông dân trồng chè. Theo quy định thì cứ đơn vị, doanh nghiệp nào đầu tư vào vùng nguyên liệu chè cho hộ nông dân thì đơn vị đó có quyền khai thác, thu mua chè búp tươi và những hộ nông dân đã ký hợp đồng với doanh nghiệp thì phải bán sản phẩm chè búp tươi cho doanh nghiệp đã đầu tư cho cây chè.