00:00 Số lượt truy cập: 2678708

Chỉ mới đáp ứng 15% nhu cầu cơ giới hóa trong thu hoạch lúa 

Được đăng : 03/11/2016
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Đến thời điểm này, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 1.800 máy gặt đập liên hợp (GĐLH)và 3.500 máy cắt lúa xếp dãy. Với tổng số 2 loại máy trên chỉ mới đáp ứng được 15% nhu cầu cơ giới trong khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phấn đấu nâng tỷ lệ cơ giới trong khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL lên 30%, 50% và 80% vào các năm 2009, 2010 và 2020. Do đó, thời gian tới khu vực ĐBSCL cần trang bị thêm hàng chục ngàn máy GĐLH để đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Văn Sanh và một máy GĐLH vừa sản xuất xong theo đơn đặt hàng của một khách hàng ở Campuchia. Ảnh: NHẬT CHÁNH.

Hiện nay, cơ sở Năm Sanh ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt -đơn vị đạt giải ba tại Hội thi máy GĐLH vùng ĐBSCL năm 2008 - đang vào cao điểm sản xuất máy GĐLH. Ông Trần Văn Sanh, chủ cơ sở này, cho biết: Tại Hội thi máy GĐLH vùng ĐBSCL năm 2008 vào tháng 3-2008, mẫu máy của cơ sở có các thông số chính như chỉ thu hoạch được từ 2 đến 3 công đất (1.000 m2)/giờ, mức tiêu hao nhiên liệu 1,5 đến 2 lít dầu diesel/công; giá bán 120 triệu đồng/máy. Đến nay, máy GĐLH của cơ sở đã được cải tiến nâng công suất lên gấp đôi, giảm mức tiêu hao nhiên liệu xuống còn 1,3 lít dầu diesel/công, giá bán 140 triệu đồng/máy. Cơ sở phải sử dụng nguồn điện dự phòng khi cúp điện và sản xuất ca 3 mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Ngoài thị trường ĐBSCL, máy GĐLH Năm Sanh bước đầu đã tìm được thị trường ở Campuchia.

* Thông tin từ UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, đến ngày 25-12-2008, ngành nông nghiệp phải hoàn thành việc đăng ký đăng kiểm giúp ngư dân sớm được hưởng chính sách trợ giá dầu và bảo hiểm thuyền viên, thân tàu cho ngư dân.

Sau khi có chính sách hỗ trợ này, nhiều chủ tàu đưa phương tiện đi đăng ký, đăng kiểm nên thời gian thực hiện kéo dài mặc dù cơ quan chức năng đã phân bổ lực lượng giải quyết thủ tục tại các huyện, thị. Tính đến thời điểm này, Kiên Giang chỉ mới giải ngân được 14,8% kinh phí hỗ trợ so với dự toán, tương đương 34.43 tỉ đồng.

Theo chỉ đạo của tỉnh, ngành nông nghiệp phải đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo 85% phương tiện, thuyền viên được hưởng chính sách này vào cuối năm 2008 và dứt điểm vào Quý I-2009.