Đầu hai thứ tóc, đã được ở trong nhà lớn, có cơm ngon, áo đẹp nhưng ông Ama Krăng ở buôn Ken, xã Ea Bá, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên vẫn trăn trở không yên. Với ông chỉ một mình mình giàu có thì chưa đủ mà làm sao để cho cả buôn làng cũng được giàu có, nhà nhà giàu có. Cho tiền, cho gạo bà con không phải là cách hay mà quan trọng phải chỉ cho họ cách để họ kiếm sống và làm giàu. Bao lâu nay, bất cứ ai cần ông giúp vốn, giúp cây con giống và kỹ thuật làm ăn, ông đều vui vẻ nhận lời chỉ bảo.
Gần 35 năm trước, vợ chồng Ama Krăng lập nghiệp cũng chỉ với hai bàn tay trắng. Tài sản của họ chỉ là cái rựa, cái gùi, lưỡi cuốc và sức lao động. Từ sáng sớm họ đã vội vã lên rừng khai hoang, đốt cây, trỉa hạt. Nhá nhem tối học mới về đến nhà, chỉ việc ăn qua loa miếng sắn, bát ngô rồi lăn ra ngủ. Ấy vậy mà có bao giờ họ đủ ăn đâu? Tháng ba ngày tám cái đói lại kéo về hành hạ. Cuộc sống của gia đình họ sẽ mãi mãi chìm trong bóng tối nếu như vẫn tiếp tục cuộc đời du canh, du cư. Nhưng ông đã sớm nhận ra điều này. Ông đã quyết định phải thay đổi nó. Cán bộ khuyến nông, khuyến lâm về buôn làng, Ama Krăng theo họ học cách làm ăn... Ông ngẫm về những điều họ nói, mình ít chữ phải chọn làm những cái gì dễ. Phương châm 4 dễ mà cán bộ đưa ra đúng quá: Phải dễ làm, dễ thu hoạch, dễ bảo quản và dễ bán. “Nhà mình có sức lao động, nhưng đất đai không có, muốn làm ăn phải có đất đai của mình”. Ama Krăng huy động cả nhà khai hoang đất để sản xuất. Có đất rồi, họ bắt đầu trồng ngô, trồng sắn, làm lúa nước. Ama Krăng bảo: “Theo cán bộ thích nhất là học được nhiều cách làm mới, có lợi nhanh mà bền vững, lâu dài”. Lối suy nghĩ phá rừng làm rẫyđã nằm ngoài suy nghĩ của ông. Thay vào đó, ông nhận trồng rừng, bảo vệ rừng, vừa có thêm thu nhập, vừa chống sói mòn đất.
Cái đói cứ thế lùi dần, bà con không còn phải thấp thỏm lo sợ ngày giáp hạt. Thời điểm mà Ama Krăng nhớ nhất là năm 2003. Đó là năm đánh dấu giai đoạn đổi đời của gia đình ông. Năm ấy, chính quyền địa phương, các đoàn thể và cán bộ Nhà máy đường Tuy Hòa vận động bà con các dân tộc trồng mía đường. Cán bộ tới tận buôn làng hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp mía giống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ama Krăng là người đầu tiên trong buôn làng mạnh dạn chuyển đổi 4 ha trồng sắn, trồng ngô sang trồng mía. Suốt vụ mía năm ấy, Ama Krăng tuân thủ đúng kỹ thuật cán bộ hướng dẫn, chịu khó theo dõi thừng thời kỳ phát triển của cây mía mà ghi lại những dấu hiệu bất thường nếu có sâu bệnh để hỏi cán bộ kỹ thuật. Vụ mía ấy, Ama Krăng đã thắng. Ông còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm mía. Vụ tiếp theo, Ama Krăng đã chuyển đổi thêm 8 ha dất nữa sang trồng mía. Diện tích mía của ông lớn nhất trong buôn. Có kinh nghiệm làm ăn, tài sản tích lũy được nhờ trồng mía của gia đình Ama Krăng lớn dần lên. Khi chính quyền địa phương tiếp tục cho khai hoang thêm đất sản xuất, Ama Krăng đã thuê người vỡ đất mở rộng diện tích canh tác. Đến nay, diện tích đất sản xuất mà gia đình Ama Krăng đã lên tới 26 ha, trong đó có 12 ha trồng mía; 8 ha trồng sắn cao sản, 5 ha trồng đậu đỏ và 1 ha trồng lúa nước.
Không chỉ đơn thuần “trồng cây, gây dựng sự nghiệp”, Ama Krăng còn chú trọng chăn nuôi bò và phát triển một số dịch vụ phục vụ bà con trong buôn áp dụng kỹ thuật chăn nuôi bò lai sind hiệu quả. Sau nhiều năm chăn nuôi đến nay đàn bò của ông đã có trên trăm con, mỗi năm ông thu hàng trăm triêụ đồng từ công việc này. Ngoài ra ông còn làm dịch vụ cày đất, tuốt lúa, xe tải nhẹ. Công việc “thêm nếm” này cũng đưa về cho ông một khoản thu nhập khá. Tổng thu nhập của gia đình Ama Krăng hiện nay lên tới trên 400 triệu đồng/năm. Với khoản thu nhập này, ông đã xây dựng được ngôi nhà sàn đóng ván rộng 75m2; một ngôi nhà 3 tầng khang trang, một nhà kho với tổng trị giá hơn 800 triệu đồng.
Chăm chỉ làm ăn, ông cũng rất nhiệt tình hướng dẫn bà con trong buôn làng cách làm giàu như mình. Ông cho biết: Buôn làng tôi toàn đồng bào dân tộc thiểu số, phong tục tập quán còn lạc hậu, sản xuất theo lối manh mún, chưa biết chủ động sản xuất theo hướng hàng hóa. Bởi vậy, họ còn nghèo lắm. Tôi giúp bà con bằng cách, tôi làm trước để bà con nhìn vào đó làm theo. Mấy năm nay, học theo cách làm của tôi, đời sống của bà con cũng khá dần lên. Mỗi năm tôi cho bà con mượn không lấy lãi và cho không bà con từ 10 - 12 triệu đồng. Hộ nào quá khó khăn tôi đến cày giúp không lấy công, hỗ trợ giống mía, giống sắn cao sản. 10 hộ được tôi đỡ đầu nay đã thoát nghèo”.