00:00 Số lượt truy cập: 2668659

Chuyện anh Trực VAC 

Được đăng : 03/11/2016
Đối với nhiều người, việc dẫn nước từ khe suối về để trồng lúa nước, đào ao thả cá... không còn mới lạ, nhưng đối với anh Trần Trung Trực, người Sách ở bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa (Minh Hóa - Quảng Bình) là cả một “cuộc cách mạng”. Sở dĩ gọi đó là “cuộc cách mạng” bởi từ một người sống du canh du cư trong rừng sâu núi thẳm, chỉ quen săn bắt, hái lượm, việc anh làm kinh tế VAC là một bước tiến lớn.

Những chuyến xe chở đất, đá đã giúp anh Trực khai hoang để trồng lúa nước, đào ao thả cá.

Giã từ chốn rừng sâu

Trực nhớ lại: “Tổ tiên của tui từng sống du canh du cư trong những hang đá mà trước đây người Rục vẫn thường sinh sống. Ngay cả ông bà, ba mẹ và cả bản thân tui cũng từng ăn ngủ trong những hang đá. Cuộc sống chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm nên cái bụng chẳng mấy khi được no. Mỗi lần thấy người lạ là cả làng kéo nhau chạy trốn trong rừng sâu, hang hốc....

Chỉ tay một vòng quanh núi, Trực kể tiếp: “Đến thời điểm này thì tổ tiên tui đã có 6 đời sống chung với bà con người Rục rồi. Đường sá, hang hốc, khe suối xung quanh khu vực này... hầu như không có nơi mô là tui chưa từng đặt chân tới”.

Sau khi được Nhà nước vận động định canh định cư, được học cái chữ Bác Hồ, năm 1979, Trực đã từng tham gia quân đội, đóng quân tại một tỉnh phía Bắc. Đầu năm 1984, anh xuất ngũ, trở về địa phương sinh sống.

Trực tiết lộ với chúng tôi: “Khi đi bộ đội về, do cuộc sống khó khăn, nhiều lúc tui lại phải vào rừng săn bắt muông thú để kiếm cái ăn. Nói thiệt với các chú, tui có biệt tài bắt rắn hổ chúa rất tốt. Chừ tui bỏ công việc đó rồi, vì săn bắt mấy loại động vật đó là vi phạm pháp luật”.

Tiên phong... làm VAC

Cuộc đổi đời của Trực thực sự bắt đầu từ cuối năm 2008, khi anh tập trung làm ăn kinh tế theo mô hình VAC. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các chiến sỹ Đồn biên phòng 585, anh Trực bắt tay vào khai hoang tại khu vực vùng đất Rục Lèn, sau đó dẫn nước từ các khe suối về làm lúa nước, đào ao thả cá, tăng gia sản xuất...

Một góc ao cá, ruộng lúa nước
của anh Trực sau khi khai hoang.

Nói như vậy không có nghĩa là bây giờ Trực mới biết đến mô hình VAC, bởi từ hồi đi bộ đội, anh đã từng nhìn thấy người ta làm lúa nước, đào ao thả cá, làm chuồng trại. Và trực tiếp hơn là trong chính những lần hành quân về giúp nông dân, anh cũng học được rất nhiều cách làm hay. Trực lý giải: “Hồi trước, tui thấy người ta làm lúa nước chủ yếu ở những vùng đất màu mỡ, bằng phẳng. Còn ở địa phương tui, đất đai chỗ nào cũng toàn đá sỏi, cây rừng sum suê, núi đá vôi dựng đứng... nhiều khi cũng định làm nhưng nghĩ tới công sức đổ ra quá lớn mà chưa biết hiệu quả thu lại như răng, nên... đành nhụt chí. Cách đây 4 năm, tui được dân bản bầu làm trưởng bản. Với cương vị này, nhiều lần tham gia vận động bà con, rồi những lần theo chân các đồng chí cán bộ đi hướng dẫn cách thức trồng trọt, chăn nuôi... nên thấy mình cần phải bắt tay vào làm. Tui là trưởng bản, phải làm trước, làm cho được thì khi đó nói dân mới tin và làm theo”.

Anh đã dẫn được nguồn nước từ khe suối về khai hoang trồng được gần 1.500m2 lúa nước. Ngoài ra, anh còn đào được 3 ao cá và đã đưa 2 ao vào thả nuôi chừng 1.000 cá trắm, 100 cá chép lai. Bên cạnh đó, nhờ trồng rau xanh trong vườn và tận dụng những vạt cỏ dọc sườn núi, gia đình anh nuôi 2 con lợn thịt, khoảng 70 con gà, 5 con trâu, bò... Tại thời điểm này, gia đình anh chuẩn bị bắt tay vào gieo trồng vụ lúa nước thứ ba và tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích.

Chia tay anh Trực khi trời đã xế chiều, chúng tôi thấy anh vẫn miệt mài kéo những chuyến xe chở đầy đất, đá, toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Anh đang cố gắng thực hiện ước mơ khai hoang nốt vùng đất rộng trước nhà.