00:00 Số lượt truy cập: 2668648

Chuyện làm giàu ở vùng đất nhãn 

Được đăng : 03/11/2016
Về Hưng Yên quê hương nhãn lồng nổi tiếng những ngày này, đi sâu tìm hiểu đời sống kinh tế của nhiều hộ nông dân, nghe họ hoạch định hướng đi, phát triển kinh tế gia đình, không ít lần chúng tôi giật mình bởi những cách làm táo bạo.

Nếu so với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Hưng Yên không có nhiều lợi thế, ngoài vị trí nằm sát thủ đô. Cách một dòng sông, không xa, bên kia là Hà Nội phồn hoa, còn người dân Phủ Khoái bên này cứ đầu tắt, mặt tối, quần quật cả năm mà vẫn thiếu trước hụt sau.

Ðó là chuyện của hơn mười năm trước. Về Hưng Yên quê hương nhãn lồng nổi tiếng những ngày này, đi sâu tìm hiểu đời sống kinh tế của nhiều hộ nông dân, nghe họ hoạch định hướng đi, phát triển kinh tế gia đình, không ít lần chúng tôi giật mình bởi những cách làm táo bạo.

Làm giàu không khó!

Không phải tôi cố tình nhại tên một chuyên mục, nói về kinh nghiệm thương trường vẫn được phát sóng định kỳ trên truyền hình, khá hấp dẫn người xem. Cũng không phải tôi ngoa ngôn mà nói vậy.

Ðó thật sự là câu nói của anh nông dân xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu tôi gặp trong lần về Hưng Yên tìm hiểu những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Anh là Nguyễn Văn Nghĩa, ở thôn An Cảnh Thượng, người chủ của một trong số  rất nhiều trang trại làm ăn khá phát đạt ở  đây.

Năm 1999, anh Nghĩa mới bắt tay vào xây dựng trang trại của mình trên diện tích hơn 1 ha. Nếu ai đã từng đến xã Hàm Tử những năm về trước mới phần nào cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt của vùng đất này. Cũng giống như nhiều xã trong huyện, Hàm Tử là vùng đất trũng, trước độc canh cây lúa, một vụ bấp bênh, thóc thu hoạch chỉ đủ ăn dăm tháng. Người nông dân có dạo phải bỏ ruộng bỏ đồng lên thành phố tìm việc. Ðã có lúc đồng ruộng Hàm Tử chỉ toàn cỏ dại. Song nhận thấy đây là vùng đất trũng, tuy khó khăn về trồng lúa và các loại cây lương thực nhưng lại có thế mạnh trong phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả.

Ðược sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp, anh Nghĩa đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại theo mô hình kinh tế VAC, lấy ngắn nuôi dài, đan xen giữa các giống cây, con có hiệu quả kinh tế cao, khả năng thu hồi vốn nhanh như nuôi cá, nuôi lợn, ươm cây giống với các loại cây trồng, vật nuôi lâu năm, đầu tư dài hạn như nuôi bò, trồng cây cảnh, cam đường canh... Với phương châm đấy, cách làm đấy, nhiều năm qua, tiền lãi từ bán cá, cây cảnh, và chăn nuôi anh thu mỗi năm  ngót trăm triệu đồng. Tôi hỏi anh, câu hỏi quen thuộc, vốn là bài toán nan giải đặt ra đối với nhiều trang trại, đó là đầu ra cho sản phẩm, anh cười: "Mình làm cái thị trường thiếu, thị trường cần nên không sợ ế. Cá ba năm hai lứa, thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Cây cảnh, cây giống, khách đến mua tại nhà, được giá thì bán".

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trang trại của mình, vừa đi anh vừa say sưa kể về những đặc tính của cây trồng, về thời kỳ sinh sản của bò, lợn, về cách thức ươm ghép nhãn, cau, si cảnh... như thể một cán bộ khuyến nông học rộng biết nhiều, truyền thụ lại cho người thân. "Phải nắm vững kỹ thuật, là nông dân mà không có kiến thức nông nghiệp thì vứt, song đã có kiến thức, có quyết tâm thì việc gì mà không thành. Nông dân bây giờ, theo tôi, làm giàu không khó", anh nói, giọng đầy lạc quan, tin tưởng.

Những mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả như mô hình trang trại của anh Nguyễn Văn Nghĩa ở Hàm Tử xuất hiện ngày càng nhiều ở Hưng Yên trong những năm gần đây. Tùy vào điều kiện tự nhiên của địa phương, nhu cầu thị trường, người nông dân Hưng Yên đã có những cách làm sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển các làng nghề, các sản phẩm có giá trị hàng hóa, có nhu cầu thị trường cao. Ðiển hình như mô hình nuôi ếch của anh Nguyễn Văn Tâm ở Lệ Xá ( Tiên Lữ), mô hình nuôi lợn theo hướng công nghiệp của anh Trần Quốc Toản ở Dạ Trạch (Khoái Châu), mô hình sản xuất mây tre đan ở Thiện Phiến (Tiên Lữ)...

Ðây chỉ là một trong số hàng nghìn mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả ở Hưng Yên. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được cải thiện, vô hình trung các mặt xã hội khác được nâng lên. Giáo dục, y tế khởi sắc. Công tác bảo tồn, trùng tu các di tích được quan tâm. Giao thông liên xóm, thôn đều được bê-tông. Cùng với các tuyến ô-tô buýt Hà Nội - Hưng Yên, Hưng Yên - Hải Dương, các tuyến buýt nội tỉnh của Hưng Yên cũng đã phủ  kín đến hầu hết các huyện. Hình ảnh những người nông dân chờ xe buýt ở trạm thật ấn tượng. Nhiều người, nhờ ô-tô buýt, sáng còn trong huyện, chớm trưa đã có mặt ở Hà Nội để giải quyết công việc, rồi lại kịp trở về ngay sau đó. Tuy làm nông nghiệp, nhưng nhìn những người nông dân Hưng Yên thấy nơi họ toát lên vẻ năng động, hiện đại.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Nguyễn Cường, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chuyển những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang gieo trồng các loại rau màu, cây ăn quả, khuyến khích xây dựng các mô hình kinh tế trang trại luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Cũng theo đồng chí Nguyễn Cường, trong những năm qua tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, trong đó xác định rõ những lợi thế của từng vùng để từ đó tập trung đầu tư phát triển.  Ðể giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 13%, trong những năm tới, tỉnh chủ động rà soát các chương trình, đề án, quy hoạch của từng ngành, phát triển toàn diện, bền vững trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm; đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng, đặc biệt là nông sản an toàn, trước hết là xây dựng các vùng rau an toàn phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Xây dựng đề án phát triển vùng nhãn hàng hóa gắn với du lịch miệt vườn...

Là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu hút vốn đầu tư lớn so với nhiều địa phương trong cả nước, song Hưng Yên vẫn được xem là tỉnh thuần nông với 80% số dân làm nông nghiệp. Tuy nhiên, trong một tương lai không xa, nhu cầu về lao động trong một số ngành kinh tế công nghiệp, du lịch, dịch vụ sẽ tăng cao, đòi hỏi những người nông dân Hưng Yên trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phải được trang bị các kiến thức cơ bản, được đào tạo nghề. Ðược sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, một số trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm đã đi vào hoạt động góp phần không nhỏ vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Sắp tới, cũng trên địa bàn tỉnh, một trung tâm đô thị đại học sẽ ra đời, trở thành một trong những trung tâm đại học lớn của cả nước, cung cấp một nguồn nhân lực có chất lượng cao không chỉ cho Hưng Yên mà cho cả vùng đồng bằng Bắc Bộ...

Xe chúng tôi xuôi cầu Yên Lệnh. Không mất nhiều thời gian, quốc lộ 1A đã hiện ra trước mặt. Khoảng cách giữa Hà Nội và Hưng Yên đang ngày càng gần hơn. Chia tay mảnh đất nổi tiếng một thời "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì phố Hiến", rồi hồ Bán Nguyệt, Văn Miếu Xích Ðằng,... với những vườn nhãn xanh rì đang kỳ trổ hoa, tôi nghe trong lòng một niềm vui khó tả. Quá khứ nghèo, nỗi vất vả nhọc nhằn một thời đã lùi xa. Một trang đời mới do chính họ, những người nông dân một nắng hai sương, viết lên, đang mở ra trên vùng đất cổ này.