00:00 Số lượt truy cập: 2676705

Chuyện về một 

Được đăng : 03/11/2016
Tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin, từng có công việc ổn định ở thành phố nhưng dường như đó chưa phải là ước mơ của Nguyễn Thanh Tuấn. Phải mất vài năm lận đận, Tuấn mới thực hiện được tham vọng của mình, lập trang trại trên vùng đồi hoang hoá...

Ông chủ trẻ Nguyễn Thanh Tuấn.

Vượt qua chính mình...

Chúng tôi quen Nguyễn Thanh Tuấn ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp (Núi Thành - Quảng Nam) từ lời giới thiệu của một người bạn. Họ đã quen nhau nhiều năm trong quân ngũ. Thời đó, Tuấn được nhiều người biết đến với thành tích nổi trội của một vận động viên điền kinh. Xuất ngũ chưa lâu, Tuấn còn khiến nhiều bạn bè ngạc nhiên khi thi đỗ với điểm cao vào Trường Đại học KH tự nhiên TP. Hồ Chí Minh.

Tuấn kể, sau khi tốt nghiệp đại học, không như bạn bè tất tả đi xin việc, anh có ngay một công việc ổn định tại Tập đoàn địa ốc Phú Mỹ Hưng (TP. Hồ Chí Minh). Nhưng anh lại không thích bám trụ ở thành phố mà lại khao khát thử sức khai phá những vùng đồi núi hoang hoá ở quê, xây dựng một mô hình kinh tế hiệu quả.

Cuối cùng, khao khát của Tuấn cũng có cơ hội thành hiện thực khi vào năm 2005, Nhà nước thực hiện việc di dời giải tỏa một số diện tích đất của gia đình Tuấn để xây dựng khu công nghiệp. Với số tiền khoảng 50 triệu đồng từ việc đền bù đất, anh mua và khai hoang vùng đồi thuộc thôn Thái Xuân. Đang hăng hái với dự định mới thì Tuấn nhận được giấy triệu tập của cơ quan điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh. Anh kể: “Do liên quan đến một vụ án từ hồi làm ở công ty kinh doanh bất động sản, tôi phải lãnh án 2 năm tù. Lúc ở trại, tôi đã cố gắng cải tạo thật tốt và cuối cùng được tha trước thời hạn”. Tuấn bắt đầu khởi động lại ước mơ ngay sau khi ra trại. Anh nói “vượt qua chính mình” là một kinh nghiệm đối với bản thân.

Tuấn "bò sát"

Chúng tôi theo Tuấn trên con đường đất đỏ ngoằn ngoèo sau Khu công nghiệp Tam Hiệp. Tuấn tâm sự, con đường này là lối mòn của chính anh trước đây khi thực hiện khai hoang vùng đồi khô cằn này. Cuối con đường, một hàng rào bằng dây leo xanh mướt chạy tít tắp. Trang trại của Tuấn trồng nhiều loại cây ăn trái đặc trưng của các miền khác nhau như vải, sầu riêng, chôm chôm, xoài... Sở dĩ bạn bè gọi anh là “Tuấn bò sát” vì trong hơn 20ha đất của trang trại, ngoài vườn cây ăn quả đang phát triển tốt, Tuấn dành khoảng 1.000m2 để xây dựng mô hình nuôi kỳ nhông, kỳ đà.

Theo tính toán của Tuấn, hiệu quả kinh tế từ nuôi kỳ nhông, kỳ đà rất khả quan. Một con kỳ nhông giống có giá khoảng 7.000 đồng nhưng chỉ sau 6 tháng nuôi, trọng lượng mỗi con có thể đạt 2 - 3 lạng. Với giá bán nhông thương phẩm hiện nay là 280.000 đồng/kg thì hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi nhông trên cát là không nhỏ. Kỳ nhông dễ nuôi, phù hợp với khí hậu vùng ven biển, chi phí cho thức ăn thấp, ít dịch bệnh. Hiện trang trại của Tuấn đang thả nuôi khoảng 5.000 con nhông bố mẹ. Tuấn cho biết thêm, anh đang nhận bao tiêu sản phẩm và cung cấp con giống đến tận nơi cho các hộ nuôi. Từ đầu năm đến nay, trang trại của Tuấn cung cấp ra thị trường hơn 7.000 con giống và hàng trăm kilôgam nhông thương phẩm, mang lại lợi nhuận trên 150 triệu đồng.

Ngoài nuôi nhông, Tuấn đang thử nghiệm mô hình nuôi kỳ đà, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế khả quan.

Hơn 30 tuổi, “ông chủ nông dân” Nguyễn Thanh Tuấn vẫn đang cố gắng thực hiện ước mơ của mình. Tuấn khoe: “Tôi vừa đi báo cáo kỹ thuật nuôi kỳ nhông ở Đà Nẵng về và đang thực hiện cuốn sách về đề tài này”. Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh về thành tích phát triển kinh tế trang trại dành cho Tuấn là động lực để những ước mơ của anh thành hiện thực.