00:00 Số lượt truy cập: 2662383

Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa mang lại hiệu quả cao 

Được đăng : 03/11/2016
Qua 2 ngày thăm quan mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa chiêm Xuân 2011 – 2012, tại xã Định Hòa, huyện Yên Định, chúng tôi nhận thấy rõ hiệu quả mà mô hình này mang lại. Ngành nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đã cho thấy được những hiệu quả thiết thực, khi áp dụng các tiến bộ khoa học vào đồng ruộng.

Trong 2 ngày mùng 5 và 6/6, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa phối hợp cùng UBND huyện Yên Định, tổ chức Hội nghị Tổng kết mô hình cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa vụ chiêm xuân 2011 - 2012. Về dự và chỉ đạo hội nghị có ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, các ban ngành nông nghiệp của các huyện trên địa bàn tỉnh cũng đã tham gia đánh giá kết quả của mô hình và đóng góp ý kiến.

Để có những cái nhìn đa chiều, khách quan, các đại biểu đã trực tiếp thăm quan cánh đồng lúa 50ha thực hiện mô hình cơ giới hoá đồng bộ được gieo cấy trong vụ chiêm xuân vừa qua và trình diễn máy gặt đập liên hợp tại xã Định Hoà (Yên Định).

Nhằm đánh giá hiệu quả của phương pháp sử dụng máy cấy so với cấy tay truyền thống trên cùng điều kiện đất đai và chăm sóc, đơn vị thực hiện đã tiến hành cấy tay truyền thống trên diện tích 1.000m2 với mật độ cấy 50 - 55 khóm/m2 để so sánh. Qua thực tế, khi áp dụng phương pháp cấy máy với mật độ 28 khóm/m2, cây cách cây 12cm, hàng cách hàng 30cm tạo ra hiệu ứng hàng biên, giảm đi sự cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng nuôi cây, tăng khả năng quang hợp cho lúa so với cấy tay truyền thống. Mặt khác, làm đất bằng máy nên cày sâu, tầng canh tác tốt, hạn chế nghẹt rễ, vàng lá sinh lý, tạo đà cho cây lúa sinh trưởng một cách thuận lợi.

Mạ được gieo trong khay (sử dụng cho cấy bằng máy) nên cây mạ được chăm sóc tốt, ít bị tác động của các điều kiện ngoại cảnh làm tổn thương. Về năng suất lúa: lúa ứng dụng mô hình cơ giới hoá đồng bộ có số hạt/bông và số bông/bụi cao hơn cấy truyền thống. Dự kiến năng suất bình quân của các mô hình cơ giới hoá đồng bộ đạt khoảng 8 tấn/ha, cá biệt có nhiều khu ruộng đạt tới 9 tấn/ha. Các chi phí mua mạ, làm đất, công cấy đều thấp hơn so với cấy thủ công.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Đề nghị ngành nông nghiệp, các địa phương phải nghiên cứu kỹ các ưu, nhược điểm của từng khâu trong mô hình cơ giớ hoá đồng bộ để có những kết luận khoa học nhất. Mô hình này đã cho hiệu quả kinh tế, giải phóng được sức lao động, làm kịp thời vụ và năng suất cao hơn so với canh tác lúa thủ công, cần ứng dụng để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã, các huyện, các doanh nghiệp… đẩy mạnh phát triển mô hình này để sản xuất lúa theo hướng hoàng hoá”.

Từ kết quả đạt được tại xã Định Hòa, có thể thấy rằng việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng là rất thiết thực. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vận động cho nhân dân có ý nghĩa quan trọng vì đây là tiến bộ KHKT mới, người dân khó tiếp cận. Ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ trên quy mô rộng phải cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có sự hỗ trợ của nhà nước bằng những chính sách hỗ trợ đồng bộ.