00:00 Số lượt truy cập: 3229440

Công bố dịch cúm gia cầm tại 10 tỉnh trên cả nước 

Được đăng : 03/11/2016

Tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 16/2, cả nước có 10 tỉnh có dịch cúm gia cầm, đó là: Quảng Ngãi, Nam Định, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Long An, Đắc Lắc, Phú Yên và Lào Cai.


Hiện Cục Thú y đã cử 15 đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người”. Mục tiêu của Kế hoạch là giảm thiểu nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam qua hoạt động nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, Chi cục Thú y tỉnh cho biết, tính đến nay, tổng số gia cầm mắc bệnh tại tỉnh đã xảy ra ở 5 hộ, thuộc 5 xã, trên địa bàn 3 huyện. 5 xã có dịch là Phổ Cường, Phổ Hòa, Phổ Văn (huyện Đức Phổ), Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh), thị trấn chợ Chùa (huyện Nghĩa Hành). Dịch bệnh đã làm chết và tiêu hủy 5.633 con gia cầm, trong đó, số gia cầm chết trước khi tiêu hủy 1.745 con, tiêu hủy bắt buộc 3.888 con. Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi đã cấp 603.000 liều vaccine cho các huyện, số vaccine tiêm được 232.946 liều.

Tại tỉnh Kon Tum, từ ngày 26-1 đến 16-2, dịch cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện tại 4 xã, phường của các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy và thành phố Kon Tum, với hơn 4.000 con gia cầm mắc bệnh và đã tiêu hủy trên 8.400 con gia cầm và 3.200 quả trứng. Sau khi dịch cúm bùng phát, Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum đã kiểm tra, xác minh, hướng dẫn các địa phương tiêu hủy toàn bộ gia cầm tại các hộ có đàn gia cầm mắc bệnh, vệ sinh khử trùng tiêu độc, thực hiện các biện pháp bao vây ổ dịch và phòng, chống dịch theo quy định; kịp thời tạm ứng trên 60.000 liều vaccine cúm gia cầm, 10.000 lít hóa chất Bencocit và các trang, thiết bị cần thiết để triển khai tiêm phòng cho đàn gia cầm và khử trùng tiêu độc môi trường.

Tại Tây Ninh, ngày 17/2, tỉnh Tây Ninh đã công bố dịch cúm gia cầm tại huyện Châu Thành. Đồng thời, Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng đã có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y hỗ trợ vắc - xin phòng chống dịch cúm gia cầm và thuốc sát trùng cho địa phương. Theo Chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh, sau nhiều nỗ lực phòng, chống dịch, đến nay, tỉnh đã cơ bản khống chế, không để dịch cúm lây lan trên diện rộng. Đến ngày 16/2, toàn tỉnh Tây Ninh ghi nhận 4 hộ có dịch cúm gia cầm tại 3 xã là Hoà Hội, Trí Bình thuộc huyện Châu Thành và xã An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu. Tổng số gia cầm bệnh, chết và bị tiêu huỷ là gần 2.900 con.

Tại Khánh Hòa, dịch cúm gia cầm tái xuất hiện trên địa bàn TP Nha Trang, Cam Ranh và TX Ninh Hòa, là những đô thị đầu mối giao thương, tập trung nhiều khách vãng lai, đó là chưa kể mỗi ngày thường xuyên có hàng trăm khách du lịch đến từ Trung Quốc - nơi đang bị dịch cúm H7N9 hoành hành - nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Điều đó giải thích vì sao số bệnh nhân mắc cúm tăng vào những ngày đầu năm, trong đó có chùm 4 ca nhiễm cúm A/H1N1 cùng sống trong 1 gia đình (1 trường hợp đã tử vong). Báo động nguy cơ dịch bùng phát với quy mô lớn hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn, bởi lẽ ở các huyện Cam Lâm, Diên Khánh cũng đã có gia cầm chết hàng loạt.

Tại Long An, Sở NN&PTNT Long An cho biết, tỉnh đã chính thức công bố dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở khu vực hai xã Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ) và Bình Quới (Châu Thành). Sau khi công bố dịch, Chi cục Thú y và lực lượng địa phương đã tiến hành tiêm chích, khử trùng và tiêu hủy đối với các gia cầm có dấu hiệu nhiễm cúm.

Tại Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh - ông Phạm Đình Cự đã ký Công điện khẩn yêu cầu Giám đốc các Sở NNPTNT, Y tế và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm. Trước mắt, các ngành chức năng và huyện Đông Hòa khẩn trương thực hiện các biện pháp bao vây, dập tắt ổ dịch cúm gia cầm, không để lây lan ra diện rộng. Tổ chức tiêu hủy ngay toàn bộ gia cầm trong ổ dịch theo đúng quy định; tiêu độc, khử trùng ổ dịch và khu vực lân cận; quản lý chặt chẽ ổ dịch; tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho gia cầm vùng lân cận ổ dịch; đặt biển báo khu vực có dịch, nghiêm cấm mọi hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong vùng dịch. Các địa phương chưa có dịch, cần tập trung chỉ đạo giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia cầm./.