* Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Nguyễn Huy Nga: Dịp 30/4, 1/5 sẽ có nhiều người khắp nơi trên thế giới về Việt Nam, người mắc virus này lại không có biểu hiện gì nên càng phải lưu ý.
Cúm lợn có khả năng lây lan nhanh. Vì thế hôm qua Bộ Y tế đã hối thúc toàn hệ thống vào cuộc sẵn sàng đối phó với dịch ngay cả khi nó còn ở phía bên kia bán cầu. Còn Cục Thú y (Bộ NN- PTNT) cho biết đang tăng cường kiểm soát NK thịt lợn...
Chỉ lây từ người sang người
Chiều qua, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Nguyễn Huy Nga khẳng định: Trong buổi làm việc hôm qua giữa Bộ Y tế và đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO, WHO khẳng định: Cúm H1N1 tại Mexico là loại cúm lây từ người sang người chứ không lây từ lợn sang người. Dịch cúm ở lợn có nhiều loại như cúm Bắc Mỹ, cúm Bắc Âu…,tuy nhiên chưa phát hiện các loại cúm này có cơ chế lây nhiễm từ lợn sang người. WHO khuyến cáo, nông dân không nên hoang mang trước dịch cúm này tại Mexico, vì điều ấy sẽ ảnh hưởng đến SX. Bộ Y tế cũng sẽ có ý kiến với Bộ NN-PTNT về vấn đề này.
Tuy nhiên, trước những diễn biến hết sức phức tạp tại Mexico, WHO khuyến cáo, cúm người tại Mexico có nguy cơ rất cao đối với toàn thế giới. Cục trưởng Nguyễn Huy Nga cho biết, hôm qua Bộ Y tế đã chính thức có công điện gửi các địa phương, các bệnh viện, kích hoạt toàn bộ hệ thống cảnh báo và sẵn sàng đối phó với dịch trên toàn quốc. Công điện nêu rõ, các bệnh viện, các cửa khẩu, các đội phản ứng nhanh ứng trực 24/24, kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp ngay đối với các bệnh nhân có dấu hiệu về đường hô hấp.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm cho hay, Cục đang theo dõi sát sao tình hình dịch cúm tại Mexico và Mỹ. Trong ngày hôm nay, Bộ NN-PTNT sẽ bàn thảo các biện pháp ngăn ngừa cúm trên lợn. "Dù chưa phát hiện cơ chế cúm lây từ lợn sang người, nhưng chúng ta cũng phải hết sức cảnh giác. Và, việc quan trọng trước tiên cần làm ngay là tăng cường kiểm soát việc NK thịt lợn vào Việt Nam"- ông Năm khẳng định. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam cũng cho biết, đây là một chủng virus hoàn toàn mới. Trong khi đó, Việt Nam và Mexico lại chưa có quan hệ gì về động vật và thực vật mà mới chỉ có quan hệ với Mỹ. Vì vậy, biện pháp tốt nhất lúc này là Việt Nam phải tăng cường kiểm soát thịt lợn nhập từ Mỹ và Mexico.
Chưa xuất hiện bao giờ, càng khó kiểm soát
Ông Mai Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết “Ở Việt Nam, chưa từng ghi nhận một trường hợp cúm lợn nào do virus H1N1”. Một số chuyên gia thú y và chăn nuôi mà chúng tôi hỏi, đều có chung nhận định đây là chủng virus mới, và vì thế nó sẽ gây ra những khó khăn không nhỏ trong việc phòng tránh. TS Lã Văn Kính- Viện KHKTNN miền Nam cho rằng “Virus này mới quá, thế giới còn đang bỡ ngỡ, thì ở nước ta đương nhiên cũng chưa hiểu được nó ra sao. Chính vì thế, công tác kiểm soát, kiểm dịch để ngăn không cho loại virus này theo thịt lợn NK vào Việt Nam là không đơn giản”.
Trong khi đó, các chuyên gia ngành chăn nuôi tỏ ra lo ngại với điều kiện nuôi lợn ở nước ta hiện nay. Một cán bộ ngành thú y (xin không nêu tên) thừa nhận “Bây giờ, chưa thể nói được điều kiện chăn nuôi lợn ở nước ta hiện nay có thể dẫn đến dịch cúm H1N1 như ở Mexico và Mỹ hay không? Nhưng nếu xuất hiện virus này, thì điều kiện vệ sinh trong chăn nuôi càng kém, nguy cơ bùng phát càng cao”.
Bà Vũ Thị Ngọc Trinh, Phó TGĐ Cty Thuốc Thú y - Thuỷ sản Minh Dũng cũng khẳng định, đây là một loại virus rất nguy hiểm, có thể lây lan và gây chết người. Đáng lo ngại là điều kiện chăn nuôi ở nước ta hiện nay rất dễ “tạo điều kiện” cho chủng virus này xuất hiện. Bởi thế, công tác phòng chống cúm H1N1 phải được bắt tay ngay từ bây giờ. Bà Trinh cho biết, Cty Minh Dũng sẽ sớm xây dựng và hướng dẫn quy trình phòng ngừa H1N1 cho người chăn nuôi lợn.
NNVN từng cảnh báo về cúm lợn H1N1
Khi kiểm tra những thông tin về chủng virus H1N1, chúng tôi chợt nhớ lại trên NNVN cách đây đúng 5 năm, đã từng có bài viết cảnh báo về bệnh cúm trên lợn bởi virus có cái tên tương tự. Cụ thể, trên số báo ra ngày 6/4/2004, trong bài “Cảnh báo từ bệnh cúm heo H1N1”, đã nêu những ý kiến cảnh báo của TS Francois Madec, PGĐ Cơ quan An toàn Thực phẩm của Pháp: "Bệnh cúm H1N1 cũng gây nguy hiểm không kém cho heo nuôi theo hình thức công nghiệp".
Ông Nga khẳng định, vì người mang virus H1N1 chưa từng xuất hiện tại Việt Nam và ngay cả khi mang trùng rồi vẫn không có biểu hiện gì nên toàn hệ thống y tế phải cảnh giác ở mức cao độ nhất. Nhất là kiểm soát tại các cửa khẩu như sân bay, bến tàu. “Dịp 30/4, 1/5 sẽ có nhiều người đi lại từ khắp nơi trên thế giới về Việt Nam, người mắc virus này lại không có biểu hiện gì khi mang trùng nên chúng tôi đặc biệt lưu ý, tuy nhiên sẽ cố gắng không gây phiền hà cho họ”- ông Nga nói.
Theo TS Francois Madec “Đây là bệnh gây ra bởi virus cúm Haemaglutinin và Neuraminidase (H1N1) và có khả năng biến thể giữa các type như từ H1N1 thay đổi sang dạng cao hơn H1N2. Bệnh xuất hiện nhiều nhất và thường xuyên trên heo thịt, được nuôi theo dạng công nghiệp. Bệnh cúm H1N1 lây lan nhanh trong môi trường không khí nên tỉ lệ nhiễm bệnh của toàn trại heo là rất cao, trên dưới 100%. Thời gian ủ bệnh trên heo kéo dài từ 10-17 ngày. Khi heo bị nhiễm bệnh thường có những biểu hiện như sốt, bỏ ăn, ho, thở khó…và gây viêm phổi, tổn thương niêm mạc phế quản, dịch nhầy trong phế quản, hạch Lympho sưng, làm cho heo không tăng trọng hoặc dẫn đến tử vong. Những trường hợp heo thường bị bệnh là do nuôi trong môi trường ô nhiễm. Tác nhân đầu tiên có thể mang nguồn bệnh tới cho heo là thức ăn”.
Không biết bệnh cúm H1N1 mà TS Francois Madec nhắc đến trong bài báo trên có giống hay gần gũi với dòng virus cúm heo H1N1 đang hoành hành ở Mexico và Mỹ, mà nhiều chuyên gia trên thế giới cho là mới xuất hiện? Rất mong sớm có sự hồi đáp của các chuyên gia thú y!