00:00 Số lượt truy cập: 2667823

Đắc Lắc ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất nông lâm nghiệp 

Được đăng : 03/11/2016

Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, tỉnh Đắc Lắc đã tạo ra được sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, trong đó, nổi bật là những thành tựu của ngành nông nghiệp về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng nhanh sản lượng, phục vụ yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.


Ngành nông nghiệp tỉnh đã sử dụng phổ biến các giống mới ngắn ngày như lúa, ngô lai, đậu đỗ... Ngành chú trọng việc sản xuất hạt giống lúa lai và ngô lai F1, chủ động một phần nguồn giống, giảm được giá thành và chi phí sản xuất. Đối với các loại cây công nghiệp dài ngày cà phê, điều, cao su, ca cao và các loại cây ăn quả giống mới chất lượng cao đã được ngành áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để ghép cây nhân giống. Gần đây, ngành lâm nghiệp tỉnh đã áp dụng nuôi cấy mô để sản xuất cây bạch đàn Ôxtrâylia, cây hông; áp dụng kỹ thuật giâm hom nhân giống cây keo lai để trồng rừng trên diện rộng. Ngoài Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Nông Lâm nghiệp (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) đã đưa tiến bộ kỹ thuật này vào sản xuất cây giống chất lượng cao, các Lâm trường Krông Bông, Lâm trường M’Đrắc, Lâm trường Ea Wi, Lâm trường Krông Pách và Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ka đã áp dụng cấy mô và giâm hom nhân giống một số loại cây, phục vụ trồng rừng kinh tế và rừng phòng hộ.

Ứng dụng công nghệ sinh học, ngành nông nghiệp đã giúp một số doanh nghiệp, hộ nông dân phát triển nghề sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu. Được cung cấp nguồn men vi sinh và hướng dẫn kỹ thuật, bà con đã tận dụng cám, trấu, mùn cưa, lõi ngô, vỏ quả cà phê để sản xuất các loại nấm rơm, nấm mỡ, nấm mèo làm thực phẩm và sản xuất nấm linh chi làm dược phẩm bồi dưỡng sức khỏe. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã đưa nhiều giống mới vào sản xuất đại trà ở khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Trong đó có các giống lợn lai F1, bò lai Sind, bò lai Zêbu, gà siêu thịt, vịt siêu trứng, cá rô phi đơn tính... Ngành thú y tỉnh đã sử dụng một số loại vaxin phòng dịch tụ huyết trùng, bệnh tả, bệnh phó thương hàn, bệnh lở mồm long móng cho gia súc.

Gần đây, công nghệ sinh học đã được ứng dụng thành công và phát triển rộng rãi trong sản xuất các loại phân hữu cơ vi sinh vật vừa góp phần cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng, vừa bảo vệ môi trường. Hiện nay, tỉnh Đắc Lắc đã có 17 dây chuyền công nghệ sản xuất hữu cơ vi sinh với sản lượng hàng năm từ 18 đến trên 20 ngàn tấn. Sở Khoa học-Công nghệ Đắc Lắc đã phối hợp với ngành nông nghiệp trong việc sử dụng vỏ quả cà phê sản xuất loại phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao dùng cho sản xuất rau sạch, cây ăn quả, cây cảnh, cây được liệu và trồng hoa. Trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, các chế phẩm Oligosacchardes đã được sản xuất thành công và áp dụng làm chất kích thích tăng trưởng thực vật, tăng khả năng kháng bệnh. Trong 5 năm trở lại đây, ngành khoa học-công nghệ đã sử dụng vỏ quả cà phê tươi sản xuất rượu vang; ứng dụng một số chế phẩm vi sinh vật bổ sung vào lượng thức ăn gia súc, gia cầm.

Trong đời sống sinh hoạt, nhiều hộ nông dân đã làm hầm biôga tạo nguồn khí mêtan sử dụng đun nấu thay than củi. Một số trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn đã sử dụng công nghệ sinh học sản xuất khí mêtan kết hợp sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Một số cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, cơ sở công nghiệp chế biến cao su đã sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý phế phẩm nông nghiệp, xử lý nước thải và khử mùi.