Tuy nhiên, tình trạng “nở rộ” các khu công nghiệp, khu đô thị đã khiến đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa ngày càng thu hẹp. Vì vậy, muốn đảm bảo an ninh lương thực và ổn định xã hội thì việc bảo vệ diện tích đất lúa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Bài 1: Nông dân “đói” đất nông nghiệp
Đất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp, trong đó phần lớn là diện tích “bờ xôi, ruộng mật” khiến nông dân ở nhiều địa phương không còn đất canh tác. Mất đất, người nông dân lao đao vì không có việc làm, dẫn đến nhiều hệ lụy...
Đổ bê tông nơi "bờ xôi, ruộng mật"
Trước đây, hai bên Quốc lộ 5 đoạn qua hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương là những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ. Thế nhưng, chỉ sau vài năm, khi các khu công nghiệp mọc lên như nấm sau mưa, hàng trăm công ty, nhà máy đã lấp kín những cánh đồng này. Một số tỉnh khác ở Đồng bằng Bắc Bộ như Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình... cũng đua nhau xây dựng các khu công nghiệp trên đất trồng lúa, khiến nhiều nơi nông dân không còn đất canh tác.
Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có mặt tại Trưng Trắc (Văn Lâm - Hưng Yên), xã thuần nông nằm sát Quốc lộ 5. Thật khó hình dung nơi này trước đây là những cánh đồng lúa, hoa màu trù phú. Nay, tường rào của các nhà máy, khu công nghiệp đã vây kín gần hết các làng. Xen kẽ giữa các bức tường đó, một vài thửa ruộng còn sót lại với những đám lúa phất phơ, còi cọc vì thiếu nước, thiếu ánh sáng.
Theo người dân ở đây, xã Trưng Trắc có 5 thôn thì 3 thôn gần như mất hết đất ruộng, chỉ hai thôn An Lạc và Ngọc Lịch là còn một ít. Riêng An Lạc, trước đây có hơn 200 mẫu ruộng (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2), nhưng giờ chỉ còn 100 mẫu. Hiện, chính quyền đang vận động để dân bán đất cho mở tiếp nhà máy.
Chỉ trong năm 2007, các huyện Phù Cừ, Tiên Lễ, Kim Động và thị xã Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) đã lấy 500ha đất lúa để xây dựng bốn khu công nghiệp.
Những nơi đất tốt nhất để trồng trọt lại thường bị thu hồi để xây dựng
Cũng chung tình trạng, xã Quang Minh (Mê Linh - Hà Nội) có 880ha đất, nhưng chỉ sau 2 năm kể từ khi khu công nghiệp hình thành (2002 - 2004), hầu như toàn bộ đất lúa phải nhường chỗ cho các nhà máy, xí nghiệp. Hiện, trên địa bàn xã có tới 300 doanh nghiệp đang hoạt động. Xã đã phê duyệt quy hoạch 600ha đất, hơn 200ha còn lại cũng thuộc quy hoạch khu công nghiệp 2. Trong 10 năm qua, Vĩnh Phúc đã thu hồi hơn 4.000ha đất nông nghiệp để làm khu công nghiệp, đô thị và hạ tầng. Từ năm 2000-2008, Bắc Ninh thu hồi tới 7.000ha đất trồng trọt sử dụng cho các mục đích phi nông nghiệp.
Là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, Bắc Ninh nhanh chóng mọc lên các khu công nghiệp. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, năm 2000, tỉnh có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 49.000ha, bước sang 2008, diện tích trồng trọt giảm chỉ còn 42.000ha. TP. Hà Nội bình quân một năm cũng giải phóng mặt bằng gần 1.000ha, với khoảng trên 300 dự án /năm, trong đó, chiếm tới 80% là đất nông nghiệp. Theo dự án quy hoạch sử dụng đất của Hà Nội, đất nông nghiệp giảm từ 41.976ha (năm 2000) xuống còn 28.718ha vào năm 2010.
Bình quân, 5 năm qua, diện tích đất nông nghiệp thu hồi trên toàn quốc tới hơn 154.000ha, điều này đồng nghĩa với việc diện tích đất trồng lúa giảm 7,6%, và thực tế con số này còn tăng lên trong thời gian tới.
Thu hồi đất để... bỏ hoang!?
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, 50% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trong thời gian qua nằm trong vùng kinh tế trọng điểm. Trong đó, 80% thuộc loại “bờ xôi, ruộng mật” sản xuất 2 vụ lúa/năm với hạ tầng khá hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, một nghịch lý là nhiều địa phương cứ thu hồi đất nông nghiệp làm khu công nghiệp rồi... bỏ hoang, trong khi đó, nông dân không có đất sản xuất. Nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư chưa đủ năng lực để san lấp mặt bằng, hay xây dựng hạ tầng nên cứ lấy đất rồi để cỏ mọc um tùm. Thành thử, nông dân chỉ còn biết đứng nhìn ruộng đất bỏ hoang.
Một số nơi xây dựng dở dang làm lãng phí tài nguyên đất
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở một vài tỉnh mà nó tồn tại khắp các địa phương, đặc biệt những tỉnh ưu ái cho doanh nghiệp đầu tư mà không cần cân nhắc, xem xét kỹ. Đặc biệt tại bốn tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, đều có tình trạng những cánh đồng bỏ hoang hóa không được đầu tư.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Chính sách - Công nghệ sau thu hoạch (Sở Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên) cho biết: “Lãng phí tại những khu công nghiệp dang dở kiểu này là lãng phí về đất đai, tiền của và lao động. Rõ ràng, công tác kiểm tra, giám sát sau khi cho thuê đất làm khu công nghiệp còn yếu. Thời gian qua, chúng ta đã công nghiệp hóa (CNH) nông thôn một cách vội vàng”.
CNH nông thôn để đưa nước ta vượt ngưỡng chậm phát triển, nâng cao đời sống của nông dân là chủ trương đúng. Tuy nhiên, cần có bước đi thích hợp. Bởi, hiện nay ở nước ta, tỉ lệ nông dân vẫn còn chiếm hơn 70% dân số. Sau khi đất đai, đồng ruộng bị thu hồi, nông dân gần như thất nghiệp...
Mất đất, nông dân trăm đường hệ luỵ
Khi đã không còn đất nông nghiệp để sản xuất, nhiều người đôn đáo tìm cách làm ăn khác như buôn bán, làm thủ công. Thế nhưng, một thực tế rất đau lòng, không ít nông dân không thể làm gì ngoài công việc đồng áng.
Cùng với dòng lao động di cư, tại chính các địa phương bị thu hồi đất cũng xảy ra tình trạng người dân chạy ăn từng bữa. ông Nguyễn Văn Sơn ở xã An Khánh (Quốc Oai - Hà Nội), cho biết: “Hiện, toàn bộ đất ruộng của xã đã bị thu hồi để làm khu đô thị mới. Bây giờ cả làng không còn chỗ để trồng lúa. Ngay cả một thửa ruộng nhỏ để trồng rau xanh cũng trở nên hiếm. Thị trường đất lên cơn sốt, nhà nào cũng tranh thủ cắt đất vườn ra bán. Thế nên, ngay cả rau cũng phải đi mua, rồi đong thóc gạo...”.
Bên cạnh đó, việc sử dụng tiền đền bù, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp của người nông dân chưa hợp lý, chủ yếu dùng để xây nhà, mua sắm; chỉ có một lượng khiêm tốn số hộ dùng tiền một Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trung bình mỗi hécta đất nông nghiệp thu hồi ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 lao động nông nghiệp. Chỉ tính riêng từ năm 2000 đến 2006, thực hiện thu hồi đất, đã có khoảng 2, 5 triệu nông dân trên cả nước bị ảnh hưởng đến đời sống.
cách thiết thực. Do đó, chuyện nhận tiền đền bù vài trăm triệu đồng nhưng chỉ sau 1 - 2 năm lại trở thành hộ nghèo không còn là chuyện hiếm. ông Nguyễn Trọng Bình ở thôn Tràng Kỹ, xã Tân Trường (Cẩm Giàng - Hải Dương) tâm sự: “Mất đất, chúng tôi không chỉ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, nghèo đói mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như an ninh nông thôn bị xáo trộn khi có một lượng lớn người thất nghiệp tại địa phương, cùng với lực lượng lao động từ các nơi khác đổ về”.
Nghiêm trọng hơn, vấn đề giải quyết việc làm cho người dân không còn đất sản xuất trở nên hết sức bức xúc. Theo ông Lê Văn Tạo, Trưởng phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), hơn 1.000ha đất nông ngiệp của huyện đã nhường lại cho các khu công nghiệp và các dự án đầu tư, tập trung ở thị trấn Lai Cách, các xã Cẩm Phúc, Cẩm Điền, Tân Trường... Mặc dù các doanh nghiệp cũng có đăng tuyển dụng lao động, nhưng phần lớn lao động địa phương chỉ làm được một thời gian rồi bỏ. Một phần do các doanh nghiệp trả lương thấp (lao động phổ thông), một phần do lao động tại các khu vực nông thôn hiện nay đều rơi vào độ tuổi khá cao nên các doanh nghiệp không chấp nhận.
Nông dân là những người đầu tiên phải gánh chịu
những hệ luỵ từ việc thu hồi đất nông nghiệp
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trung bình mỗi hécta đất nông nghiệp thu hồi ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 lao động nông nghiệp. Chỉ tính riêng từ năm 2000 đến 2006, thực hiện thu hồi đất, đã có khoảng 2, 5 triệu nông dân trên cả nước bị ảnh hưởng đến đời sống. Tại một vài tỉnh, 25-30% số lao động sau khi bị thu hồi đất không có việc làm hoặc việc làm không ổn định. Tại một số vùng Đồng bằng sông Hồng, trước khi thu hồi đất chỉ có 10% lao động đi làm thuê, sau khi thu hồi đất, tỷ lệ này là 17%. Rõ ràng, vấn đề thu hồi đất hiện nay phải được xem xét lại. Chính phủ cũng đã có những chính sách, yêu cầu các địa phương không được thu hồi đất trồng lúa sử dụng vào mục đích khác nhưng trên thực tế các dự án đầu tư vẫn được cấp phép, đồng nghĩa với việc đất lúa đang mất dần... Nếu không có những biện pháp bảo vệ đất lúa ngay từ bây giờ thì e rằng quá muộn.