00:00 Số lượt truy cập: 3229565

Dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng nông thôn 

Được đăng : 03/11/2016

Qua 3 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được một số kết quả nhất định, huy động được nguồn lực đầu tư vô cùng mạnh mẽ, trở thành phong trào sâu rộng trong cả nước, được cả hệ thống chính trị tham gia lãnh đạo, nhân dân đồng tình ủng hộ và trực tiếp thực hiện.


Theo Ban Chỉ đạo Trung ương, đến quý I.2014, cả nước đã có 93,7% số xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM, đồng thời các xã cũng tiến hành lập Đề án xây dựng NTM, với 81% số xã phê duyệt xong đề án.

Về nguồn vốn cho chương trình, trong 3 năm 2011-2013, chương trình xây dựng NTM đã huy động được 485.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước các cấp bố trí 161.938 tỷ đồng, chiếm 33,4%; vốn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là 50.048 tỷ đồng (10,3%), gồm ngân sách T.Ư 5.469,16 tỷ đồng (1,1%) và ngân sách địa phương 44.579,15 tỷ đồng (9,2%); vốn lồng ghép 111.889,7 tỷ đồng (23,1%); vốn tín dụng 231.378,1 tỷ đồng, chiếm 47,7%. Các doanh nghiệp hỗ trợ 29.900,91 tỷ đồng, chiếm 6%; người dân đóng góp 62.841,07 tỷ đồng, chiếm 13%. Đáng chú ý là vốn cho xây dựng NTM đã được tăng cường khi ngày 25.1.2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 195/QĐ-TTg phân bổ nguồn vốn trái phiếu cho năm 2014 - 2016 là 15.000 tỷ đồng, trong đó bố trí cho năm 2014 là 4.765 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương đang tích cực phân bổ nguồn vốn này qua các kênh để sớm triển khai thực hiện ngay.

Sau 3 năm xây dựng NTM, điểm nổi bật là các địa phương đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng, góp phần đổi mới nhanh chóng bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với địa phương như cấp xi măng để dân tự làm đường ở Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình; hỗ trợ lãi suất để khuyến khích nông dân vay chuyển đổi cơ cấu sản xuất của TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng hoặc mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp của An Giang, Đồng Tháp, Thái Bình; chính sách phát triển mỗi làng một sản phẩm của Quảng Ninh...