Sáng 7/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo 2 Bộ, đại diện lãnh đạo các Sở NN và PTNT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành trong cả nước; lãnh đạo Trung tâm dạy nghề của một số địa phương.
Báo cáo tóm tắt kết quả triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2013 cho thấy, qua 4 năm triển khai thực hiện Đề án, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt về mọi mặt. Bộ NN và PTNT đã phối hợp với các Bộ, Ngành tập trung chỉ đạo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao. Kết quả, tổng số lao động được học nghề nông nghiệp là 203.119 người, trong đó có 78.537 lao động nữ (chiếm 38,6%). Số lao động nông thôn học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất và thu nhập cao là 166.526 người (chiếm 88,2%). Hiện tại đã có 761 cơ sở tham gia dạy nghề với 12.705 giáo viên. Tổng số lao động nông nghiệp đã được đào tạo cho cả giai đoạn 2010-2013 là 662.828 người, đạt 50% mục tiêu của Đề án.
Hội nghị cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại trong công tác đào tạo nghề ở nông thôn. Cụ thể, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp còn thiếu định hướng, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới. Hoạt động đào tạo nghề mới tập trung vào các nghề cũ, chưa tạo ra được các nghề mới. Việc giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao còn hạn chế. Vì vậy, chưa tạo ra được đột phá mạnh trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Ngọc Phi nhấn mạnh: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần xác định là một loại hình dịch vụ công nên cần có tư duy và cơ chế phù hợp để thực hiện có hiệu quả, bên cạnh đó phải có cơ chế giám sát của các Hội, đoàn thể, chính quyền địa phương... Trong thời gian tới chúng ta mạnh dạn sửa đổi quyết định 1956 và cải tiến, minh bạch hóa việc phân bổ nguồn vốn của các địa phương cho công tác dạy nghề đạt hiệu quả hơn.
Theo kế hoạch Đề án, đến năm 2020 chúng ta cần đào tạo cho 1,6 triệu lao động nông thôn nên quá trình thực hiện cần có trọng tâm, trọng điểm để đào tạo một đội ngũ nông dân nòng cốt cho một nền nông nghiệp hướng tới công nghiệp hóa...