00:00 Số lượt truy cập: 2694046

Đau đầu vì... phân bón 

Được đăng : 03/11/2016
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm của nước ta chỉ đủ để nhập khẩu phân bón. Đây thực sự là nỗi lo không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.

Công tác quản lý chưa đạt yêu cầu

Trong cuộc hội thảo về sử dụng phân bón, bàn giải pháp giảm chi phí nhập khẩu sản phẩm này do Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tổ chức gần đây, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng - Nông hóa (Bộ NN&PTNT) Bùi Huy Hiền cho biết, chi phí nhập khẩu phân bón 7 tháng đầu năm cộng với 40 triệu USD tiền thuốc BVTV đã tương đương giá trị kim ngạch xuất khẩu lúa gạo 7 tháng. Sở dĩ phải nhập khẩu nhiều là do sản xuất phân bón trong nước chưa thể đáp ứng nhu cầu của nông dân. Ấy vậy mà, gần đây, Bộ NN&PTNT đã phải có công vănđềnghịngừngxuất khẩu phân bón. Được biết, sản xuất phân bón trong nước được Chính phủ bù giá nên rẻ hơn các nước khác. Thế nhưng, thay vì bán giá rẻ cho nông dân, các doanh nghiệp vẫn cố tìm cách… xuất khẩu trong khi sản xuất trong nước chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

 

Giá phân bón tăng cao khiến không ít cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng tung ra thị trường. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tại các tỉnh phía Bắc, hầu hếtchấtlượng phân bón chỉ đạt 70-80% so với tiêu chuẩn đăng ký. Sản phẩm chất lượng thấp này chủ yếu do những cơ sở thủ công sản xuất.

 

Hướng dẫn sử dụng sao cho đạt hiệu quả nhất

Vài năm lại đây, Bộ NN&PTNT đã phát động phong trào “3 giảm, 3 tăng” trong đó đặc biệt là việc giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nói chính xác hơn là sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sao cho hiệu quả nhất, không gây lãng phí. Phong trào này đã thu được kết quả nhất định nhưng vẫn chưa được như ý. Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Bộ cho rằng, đất nông nghiệp của nước ta không cần và không thể hấp thụ lượng phân bón quá lớn như hiện nay. Hiệu suất sử dụng đất thấp (khoảng 40%) khiến nông dân lạm dụng phân bón để tăng khả năng sinh trưởng của cây trồng. Sự lạm dụng này khiến hiệu suất sử dụng chỉ đạt 30-33%. Ông Bộ cho biết, khoảng 70%, tương đương 5 triệu tấn phân bón bị bay hơi hoặc bị nước cuốn trôi. Điều này không chỉ là lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường do các chất hóa học tích tụ lại trong lòng đất, ngấm vào mạch nước ngầm...

 

Điều tra của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cũng cho kết quả tương tự. Theo đó, dù hệ thống khuyến nông đã khuyến cáo sử dụng phân bón tiết kiệm, phù hợp với từng loại đất, nhưng nông dân chủ yếu bón theo kinh nghiệm. Việc sử dụng phân bón không hợp lý đôi khi còn dẫn tới năng suất thấp, thậm chí mất mùa.

 

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc, từ tháng 11-2007 đến nay, giá phân bón đã tăng 2-3 lần. Từ nay đến năm 2020, nước ta vẫn phải nhập khẩu lượng lớn phân bón và nếu công tác quản lý tiếp tục bị xem nhẹ, nông dân chưa biết cách sử dụng phân bón tiết kiệm, tình hình sẽ còn khó khăn.