00:00 Số lượt truy cập: 3228263

Đầu tư cho 'tam nông' vẫn còn nhiều lãng phí, hiệu quả thấp 

Được đăng : 03/11/2016
Trong thời gian qua, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng. Nhờ có sự đầu tư thỏa đáng khu vực nông nghiệp, nông thôn đã và đang ngày càng phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn thời gian qua vẫn còn nhiều lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp.

Đầu tư công trong nông nghiệp, nông thôn còn nhiều lãng phí

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn 2006-2011 của Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội cho thấy, trong giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn liên tục tăng. Cụ thể, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 2006-2011 là 432.788 tỷ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ.

Bên cạnh đó, hàng năm Nhà nước còn bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương mỗi năm từ 7 đến 8 ngàn tỷ đồng chủ yếu dành hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, dịch bệnh.... Hơn thế, nhiều địa phương đã có các giải pháp huy động vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, tạo cơ chế để người dân đóng góp bằng tiền, hiến đất và lao động trực tiếp để đầu tư xây dựng cầu, đường, trường học, nhà ở… nhờ đó đã huy động thêm được nguồn lực vào quá trình đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Mặc dù vậy, trên thực tế, nguồn lực đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Nguồn lực đầu tư và phân bổ đầu tư mới chỉ đáp ứng được 55-60% nhu cầu. Nhiều chương trình mục tiêu, nhiều dự án giữa thiết kế với tổ chức thực hiện còn kéo dài do ý tưởng thì cao nhưng nguồn lực hạn chế, sự thất thoát và tính toán chưa hiệu quả.

Đặc biệt, là tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; một số nơi việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật và pháp luật trong đầu tư chưa nghiêm túc, còn để xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư; chưa thực hiện tốt cơ chế dân chủ và phát huy sức mạnh tổng hợp của người dân trong tổ chức thực hiện đầu tư.

Trong giai đoạn 2006-2011, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 220 vụ việc vi phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng, đã phát hiện 78 vụ sai phạm trong việc thiết kế, thi công công trình; 33 vụ sai phạm trong việc sử dụng trái quy định nguồn vốn; 34 vụ tham ô tài sản,... Kiến nghị xử lý theo pháp luật 278 đối tượng và 33 doanh nghiệp, đơn vị thiết kế, thi công; thu hồi cho Nhà nước 21,7 tỷ đồng. Kiến nghị xử lý tài chính Chương trình 134 hơn 19 tỷ đồng, Chương trình 135 hơn 97 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hơn 75 tỷ đồng...

Hệ thống giao thông nông thôn nhiều nơi còn rất khó khăn, đến năm 2011 vẫn còn 149 xã trên hơn 9200 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã, hệ thống đường giao thông nông thôn về cơ bản đã hình thành tuyến nhưng chưa có giá trị sử dụng cao về phương diện vận tải do mặt đường còn hẹp và kết cấu hạ tầng không phù hợp. Hệ thống thủy lợi tại một số địa phương đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa phát huy được hiệu quả, các công trình đầu mối về thủy lợi chưa đủ điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến năm 2011, vẫn còn 16 xã ở vùng hải đảo, biên giới, vùng cao chưa có điện; có nơi rất cần điện phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng cũng chưa đáp ứng được.

Điều đáng nói là công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn ở mức cao; còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định an ninh trật tự nông thôn. Một bộ phận người nghèo vẫn còn tâm lý muốn giữ chế độ hộ nghèo để được nhận trợ cấp của Nhà nước; một số hộ nghèo còn rất lúng túng trong việc tự lựa chọn cách thức làm ăn để thoát nghèo, chưa được các cơ quan, chính quyền, hội, đoàn thể quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ nên chưa mạnh dạn vay vốn để làm ăn....

Ngoài ra, việc giải ngân các chương trình quốc gia chậm, tình trạng cơ chế xin cho, tâm lý ban phát còn nặng nề. Tính công khai, minh bạch trong thực hiện các chương trình chưa được đề cao; công tác giám sát, đánh giá chưa thực hiện thường xuyên....

Tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả đối với đầu tư công

Trước những bất cập và hạn chế của đầu tư công trong nông nghiệp, nông thôn, thảo luận tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, ngày 5/6 vừa qua về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều đại biểu cho rằng, giải pháp để có thể tăng hiệu quả đầu tư công trong nông nghiệp, nông thôn đó là cần đẩy mạnh công tác quản lý.

Theo Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, thời gian vừa qua Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng tăng đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chính sự cố gắng đó đã là yếu tố quan trọng duy trì và thúc đẩy sự phát triển khá toàn diện của nông nghiệp, nông thôn nước ta trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư công trong nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều tồn tại. Do đó, để nâng cao hiệu quả đầu tư công trong nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh công tác quản lý; cần tăng cường phân cấp quản lý quy hoạch và đầu tư đi đôi với tăng cường giám sát ở cấp cơ sở với sự tham gia của người dân, có như vậy, đầu tư công trong nông nghiệp, nông thôn mới đem lại hiệu quả cao.

“Nông nghiệp nước ta còn nhiều tiềm năng to lớn cần được tiếp tục phát huy cả trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Nhiều loại cây trồng, thủy sản là thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh cao như lúa gạo, cafe, cao su, tôm, cá tra, nhưng năng suất chất lượng chưa đồng đều và còn nhiều dư địa để tăng giá trị gia tăng. Việc đẩy mạnh cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng là giải pháp để xóa đói, giảm nghèo”- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, trong thời gian tới nên tăng chi đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Điều tiết phân bổ ngân sách Nhà nước, đảm bảo lợi ích của các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp cũng như đối với các địa phương thuần nông. Ngoài ra, tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn thông qua chương trình kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng, làng nghề nông thôn, hạ tầng thủy lợi cho cánh đồng mẫu lớn…

Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cũng đề nghị Nhà nước cần tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông thôn, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, cần tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ hơn để chấm dứt đầu tư tràn lan và hiệu quả không cao.

Còn theo đại biểu Ly Kiều Vân - Quảng Trị, trước hết, Quốc hội cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tăng ngân sách nhà nước để đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt cần nghiên cứu các chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư các nguồn lực phù hợp với các điều kiện thực tế của từng vùng, từng miền, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đào tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau đầu tư, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí và cần phải có những chế tài mạnh mẽ hơn nữa để xử lý đối với những trường hợp vi phạm về vấn đề này…

Các đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định), Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) kiến nghị Chính phủ chú trọng công tác quy hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm soát; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời điều chỉnh và phân bố lại cơ cấu đầu tư công, khắc phục cơ chế xin-cho và đẩy mạnh quản lý… có như vậy mới mong đạt được hiệu quả cao trong việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.