Hội nghị khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản (Ảnh: BT) |
Cụ thể, trong nuôi trồng thủy sản, ngành đã nghiên cứu chủ động công nghệ sản xuất giống hầu hết các đối tượng thủy sản nuôi như: tôm sú, tôm chân trắng, tôm càng xanh, cá tra, rô phi,...; đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chọn tạo đàn giống bố mẹ có tính tăng trưởng nhanh đối với cá tra, cá rô phi, tôm chân trắng, tôm sú, cá chép. Tiến hành nhập và thuần hóa thành công một số đối tượng nuôi như: cá hồi vân, cá tầm, cá quế.
Trên lĩnh vực khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi cho thấy biển Việt Nam ghi nhận được khoảng 12.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, đặc biệt có mặt hệ sinh thái hệ san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Trong tổng số loài được phát hiện có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.435 loài cá với trên 100 loài có giá trị về kinh tế.
Đồng thời, trong chế biến thủy sản, đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ làm lạnh nước biển, bể ngâm hạ nhiệt, khay chứa đựng, các phương tiện bốc dỡ. Làm chủ công nghệ bảo quản và vận chuyển sống đối với một số loài hải sản như cá, nhuyễn thể, giáp xác, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng, đặc biệt các đô thị lớn.
Tuy nhiên, cũng theo Phó Tổng cục trưởng Phạm Anh Tuấn, các nghiên cứu KHCN tuy đã tập trung vào các đối tượng chủ lực nhưng số lượng đề tài còn rất ít, không liên tục, chưa đủ giải quyết vấn đề bức xúc cho đối tượng cụ thể; sản phẩm nghiên cứu chưa thực sự có tính đột phá. Thêm vào đó, trình độ KHCN thủy sản vẫn còn thấp, chưa thật sự làm chủ công nghệ và chưa ổn định được công nghệ tạo giống đáp ứng yêu cầu sạch bệnh, kháng bệnh, khả năng tăng trưởng và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhìn chung, hoạt động KHCN hiệu quả chưa cao, số lượng các sản phẩm liên quan đến khoa học ứng dụng chưa nhiều, số lượng các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước được thương mại hóa còn ít, số lượng sản phẩm KHCN ứng dụng thực tiễn còn thấp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đi sâu phân tích vào những khó khăn của ngành thủy sản Việt Nam. Trong đó, quá trình thực tế cho thấy, tình hình sản xuất nuôi tôm đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; môi trường nuôi xuống cấp nghiêm trọng. Đồng thời, công tác tư vấn vẫn chưa đủ để giúp các hộ nuôi phát triển bền vững. Bên cạnh đó, vấn đề nước rất quan trọng đối với ngành thủy sản, tuy nhiên, khi nuôi công nghiệp, sử dụng nước sông, sẽ có thời điểm bị ô nhiễm. Trong quá trình nuôi trồng thủy sản, với việc sử dụng thức ăn mật độ nhiều đặt ra vấn đề cặn thức ăn đi đâu và sẽ được xử lý như thế nào, đòi hỏi trong nuôi trồng thủy sản cần có công nghệ xử lý nước.
Mặt khác, điều quan trọng cần quan tâm là nhu cầu của thị trường, bởi đây là mấu chốt để nắm vững được cán cân của sản xuất. Đồng thời, cần tập trung nguồn lực nghiên cứu phát triển các sản phẩm nuôi chủ lực như tôm sú, cá tra, tôm thẻ, cá rô phi, các sản phẩm có lợi thế của Việt Nam. Giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng, thủy sản cảnh và các sản phẩm có giá trị thẩm mỹ và dược phẩm. Mặt khác, cần thay đổi quản lý nhiệm vụ KHCN mang tính ngắn hạn theo đề tài 2-3 năm, chuyển hướng xây dựng các chương trình, dự án mục tiêu, giao nhiệm vụ đủ thời hạn và nguồn lực, đảm bảo sản phẩm được đưa vào thực tế sản xuất.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, thời gian qua, các cơ quan nghiên cứu nhà nước, viện, trường, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực nhằm phát triển, ứng dụng KHCN trong ngành thủy sản.Tuy nhiên, hiện nay, ngành KHCN thủy sản vẫn còn nhiều yếu kém trong nghiên cứu và chuyển giao. Bởi vậy, công tác nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong ngành thủy sản là điều cấp thiết, trong đó, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là con giống, sản xuất con giống; sau đó là công tác nghiên cứu về dịch bệnh – yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sự phát triển bền vững của ngành. Bên cạnh đó, cần huy động tổng thể các nguồn lực nhằm tập trung thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, tránh tình trạng phân tán, lãng phí. Ngoài ra, cần tập trung nâng cao hiệu quả đánh bắt, khuyến khích người dân đánh bắt xa bờ; trong nuôi trồng thủy sản cần hướng đến việc tiếp cận những KHCN tiến bộ của thế giới nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm./.