00:00 Số lượt truy cập: 3232550

Để phát triển bền vững sau khủng hoảng cần một cơ chế 

Được đăng : 03/11/2016
Khó khăn và thách thức là rất lớn, nhưng chính trong cuộc khủng hoảng lại xuất hiện những cơ hội đối với nền kinh tế Việt Nam. Đó là nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế tại một diễn đàn tìm giải pháp vượt qua khủng hoảng do Báo Nhân dân tổ chức mới đây.

Xuất khẩu hạt điều Q I/2009 đạt 31.425 tấn, trị giá 139,314 triệu USD.

Bức tranh kinh tế sau "sơ cứu"

Tổng biên tập Báo Nhân dân Đinh Thế Huynh khẳng định: “Giải pháp kích cầu của Chính phủ trong thời gian qua có ý nghĩa rất lớn, góp phần vực dậy nền kinh tế. Nhiều chính sách bước đầu đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội như miễn, giảm, giãn thuế; bảo lãnh vốn vay cho doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức và cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh; hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trong doanh nghiệp bị suy giảm kinh tế... Nhờ đó, 4 tháng đầu năm, nền kinh tế đã có biến chuyển tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong 3 tháng gần đây, nông nghiệp chuyển biến tốt, kim ngạch xuất khẩu nông sản và thủy sản tăng”.

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. PGS. TS Đặng Văn Thanh, chuyên gia kinh tế - tài chính cao cấp của Quốc hội phân tích: “Tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến kinh tế Việt Nam ngày càng rõ: Hoạt động sản xuất, kinh doanh có xu hướng thu hẹp, sức tiêu thụ giảm, hàng hóa ứ đọng, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và đời sống của nhân dân”.

Tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, trong đó có cả cơ cấu ngành chăn nuôi
để thoát khỏi khủng hoảng.


Thực tế những tháng đầu năm 2009 cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 3,1%, mức thấp nhất trong nhiều năm qua; thu ngân sách thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu giảm 13,4%. Mặc dù Chính phủ đã đặt mục tiêu: Chống suy giảm và ổn định nền kinh tế và ban hành nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội nhưng diễn biến của khủng hoảng tài chính thế giới đã, đang đặt ra nhiều vấn đề chúng ta phải giải quyết.

Tái cơ cấu nền kinh tế

Ông Thanh cho rằng: “Tái cơ cấu nền kinh tế là biện pháp tốt nhất cần sớm thực hiện, trước hết là cơ cấu lại tài chính Nhà nước và rộng hơn là nền tài chính quốc gia”.

Ông Thanh phân tích, mô hình phát triển của nền kinh tế nước ta trong nhiều năm qua là hướng ngoại, dựa nhiều vào xuất khẩu (chiếm khoảng 60 - 70% GDP) và thu hút đầu tư nước ngoài (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 16% tổng vốn đầu tư toàn xã hội những năm 2000-2005 và trên 20% những năm gần đây; nếu tính cả đầu tư gián tiếp thì tỷ lệ này lên đến 30%). Thu ngân sách Nhà nước từ thu nội địa chỉ chiếm trên 50%, còn lại là từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu. Mô hình này chỉ phù hợp trong điều kiện bình thường, nhưng có thể khiến nền kinh tế và nền tài chính trong nước bị tổn thương khi kinh tế thế giới có sự biến động và lâm vào tình trạng bất ổn. Trong thời gian tới, cần điều chỉnh mô hình phát triển kinh tế - tài chính theo hướng phát huy tối đa nội lực, sử dụng có hiệu quả ngoại lực, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng tiềm lực tài chính; xây dựng chính sách phát huy nội lực, hỗ trợ cho sản xuất nhắm tới thị trường nội địa và xa hơn là nâng cao sức mua của người dân.

Theo ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia, cần xem xét các vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản như sử dụng đồng vốn, quy hoạch đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, phân tán. “Năm 2009, vốn đầu tư xây dựng cơ bản Nhà nước bỏ ra chiếm khoảng 40% GDP, nếu chúng ta sử dụng nguồn vốn đó hiệu quả, đúng địa chỉ sẽ tạo ra cơ hội tốt thoát khỏi khủng hoảng. Ngược lại, nếu sử dụng nguồn vốn đó không tốt sẽ tạo ra nguy cơ, cảnh báo gia tăng lạm phát”, ông Ân nói.

Đồng tình với nhận định này, TS. Trần Du Lịch, ủy viên ủy ban kinh tế của Quốc hội đưa ra quan điểm, nếu không có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp chuyên gia công sang sản xuất thì nước ta tiếp tục tồn tại một cơ cấu các ngành thiếu cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần cấu trúc lại thị trường để có sự đồng nhất giữa thị trường xuất khẩu và nội địa; không còn phân biệt hàng hóa sản xuất cho xuất khẩu và cho thị trường nội địa, mà chỉ có một thị trường duy nhất, thị trường của các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo ông Lịch, ngoài đầu tư vào hạ tầng và nông thôn, cần có một thể chế kinh tế phù hợp để biến thành lực lượng vật chất, khôi phục nền kinh tế. “Khoán 10” trong nông nghiệp là điển hình về đổi mới thể chế kinh tế và đã tạo ra bước nhảy vọt. Vì vậy, từ trong khủng hoảng, chúng ta cũng đang chờ đợi một thể chế như thế để có thể thay đổi cục diện.