Là một trong ít người đi đầu nuôi tôm sú có hiệu quả ở địa phương, 10 năm nay, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) Nguyễn Anh Linh đã chứng minh cho bà con nơi đây thấy được việc mình nói luôn đi đôi với làm và từ kinh nghiệm có được trong nuôi trồng, sản xuất anh không ngại chia sẻ với những người xung quanh.
Tham gia công tác hội hơn 15 năm nay, người thương binh hạng 3/4 Nguyễn Anh Linh luôn trăn trở trước thực trạng đời sống phần lớn nông dân ở xã còn khó khăn do chưa tìm được mô hình phát triển kinh tế bền vững. Tâm huyết với công việc, anh không ngừng tìm tòi, nghiên cứu xem ở địa phương mình có thể nuôi trồng loại giống cây trồng, vật nuôi gì phù hợp cũng như kết hợp với việc thường xuyên tham quan, học hỏi các xã bạn về kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất để truyền đạt lại cho hội viên.
Năm 2000, anh mạnh dạn vay mượn tiền đầu tư nuôi tôm sú trên diện tích 0,7 ha. Vốn bỏ ra ban đầu khá nhiều để đào ao, mua bạt, giống tôm và thức ăn, không ít người can ngăn anh nuôi vì nếu không thành công thì số tiền vay mượn không biết bao giờ trả hết. Tuy nhiên, không nản chí, anh dồn tâm, dồn lực với hy vọng vụ tôm đầu sẽ thắng lợi để thay đổi suy nghĩ an phận của người dân quê bấy lâu và tuyên truyền, vận động bà con cùng nuôi tôm.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi trồng thủy sản nên vụ tôm đầu của anh bội thu. Chỉ 1 năm sau anh trả hết nợ và bắt đầu lãi ròng. Anh tiếp tục mở rộng diện tích từ 0,7 lên 1,4 ha để nuôi tôm sú, từ năm 2000-2010, mỗi vụ anh thu khoảng 2 tấn rưỡi tôm, trừ chi phí, mỗi năm anh lãi 80-150 triệu đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc nuôi tôm sú, anh Linh còn tìm tòi thử nghiệm cách chuyển đổi từ nuôi tôm bằng ao bạt sang nuôi ao đất để nhiều người có thể nuôi tôm bởi chi phí tiền mua bạt đắt lại không đảm bảo môi trường nước. Đầu năm 2011, anh quyết định chuyển từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao đất. Quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng anh vừa khám phá những cái mới vừa đối chứng với việc nuôi tôm sú trước đây.
Từ kinh nghiệm có được sau một thời gian nuôi, anh tự chế biến ra các nguồn vi sinh để giảm bớt nguồn thức ăn mua về và đặc biệt là hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, anh nghiên cứu, tìm hiểu chức năng của một số thảo dược để chế biến thuốc điều trị một số bệnh thường gặp ở tôm như: phân trắng, đứt râu, mòn đuôi…Vụ thu hoạch vừa qua anh đã thành công khi thu được 2,4 tấn, lãi 120 triệu đồng.
Như vậy, cùng trên một đơn vị diện tích, việc nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Linh không những tiết kiệm được chi phí đầu tư về bạt, thức ăn, mật độ thả ít hơn (chỉ 40 con/m2), dịch bệnh ít hơn, đảm bảo môi trường nước, chỉ 2,5 tháng là có thể thu hoạch, mức độ rủi ro ít mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi tôm sú.
Qua kinh nghiệm thực tiễn nuôi tôm thẻ chân trắng, từ đầu năm 2011 đến nay, anh Linh đã tổ chức 2 lớp hội thảo đầu bờ về mô hình nuôi tôm ít thay nước cho bà con trong xã nhằm truyền đạt, hướng dẫn cho bà con cùng làm kinh tế. Một số hộ trong xã đã noi gương anh làm theo và kết quả thu hoạch tôm đã giúp họ không chỉ lấy lại vốn mà còn lãi cao, điển hình có hộ vụ tôm vừa rồi lãi trên 200 triệu đồng.
Nhiệt tình trong công tác hội, luôn tìm hướng làm kinh tế hiệu quả cao cho bản thân và bà con ở địa phương, nhiều năm qua anh Nguyễn Anh Linh đã được các cấp tặng 12 loại giấy khen, bằng khen và Huy chương Vì sự nghiệp giai cấp nông dân.