Dịch lợn tai xanh lây lan trên diện rộng
Được đăng : 03/11/2016
Tại Cao Bằng, hiện dịch lợn tai xanh tiếp tục lây lan trên diện rộng và chưa có dấu hiệu suy giảm. Mới đây, huyện Trùng Khánh là địa phương thứ 3 (sau thị xã Cao Bằng và huyện Hoà An) có dịch lợn tai xanh tại 17/20 xã với gần 1.300 con mắc bệnh, trong đó trên 550 con đã chết và bị tiêu huỷ.
Như vậy, kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên tại thị xã Cao Bằng vào ngày 1/5 đến nay, dịch lợn tai xanh đã lây lan tại trên 110 thôn, bản thuộc 36 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thị xã Cao Bằng, huyện Hoà An và huyện Trùng Khánh với gần 5.300 con mắc bệnh, trong đó có hơn 3.000 con chết và bị tiêu huỷ.
Nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lây lan tại huyện Trùng Khánh là do các chủ buôn lợn giống vận chuyển lợn từ vùng có dịch vào địa phương, bà con phát hiện mầm bệnh nhưng không báo dịch mà tự mua thuốc điều trị, bán chạy dịch nên làm phát tán mầm bệnh. Ngoài ra, đồng bào chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa quan tâm đến việc vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vacxin chưa đồng đều, tỷ lệ thấp đã dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan.
Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, đội ngũ cán bộ thú y huyện Trùng Khánh đã tập trung hướng dẫn bà con các biện pháp: điều trị lợn ốm, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, tiến hành tiêu huỷ ngay lợn mắc bệnh nặng để đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh lây lan; tuyên truyền vận động người dân thực hiên “5 không”: không dấu dịch, không bán chạy lợn ốm, không vứt xác lợn bệnh chết bừa bãi, không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch, không mua lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh.
* Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cà Mau, nguy cơ bùng phát dịch lợn tai xanh trên địa bàn hiện rất cao.
Nguyên nhân là do ở nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bạc Liêu đã xuất hiện dịch bệnh này trên đàn lợn nên không loại trừ lợn mang mầm bệnh, nhiễm bệnh xâm nhập vào địa bàn. Nhiều địa phương chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch lợn tai xanh, trong khi đó Cà Mau là vùng sông nước, hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt, công tác kiểm tra, kiểm dịch gia súc di nhập vào địa bàn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Lực lượng thú y cơ sở mỏng, không kiểm soát được việc chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình; trong khi đó lợn bị bệnh và chết, người dân không thông báo cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương lấy mẫu xét nghiệm, xử lý ổ dịch mà tự tiêu hủy, thậm chí còn lén lút xẻ thịt đem đi bán. Công tác tiêm phòng các bệnh cho gia súc trong hơn 7 tháng đầu năm nay mới đạt 13,15% kế hoạch năm, với hơn 25.500 liều; đã có trên 11.560 con lợn mắc bệnh tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, dại…, trong đó chết 1.678 con. Toàn tỉnh Cà Mau mới chỉ xây dựng được 7 lò giết mổ gia súc, công tác quản lý, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, mua bán gia súc trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi.
Tỉnh Cà Mau chỉ đạo cho các ngành chức năng có liên quan phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Khuyến cáo người dân hợp tác chặt chẽ với cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương trong phòng chống dịch bệnh, kịp thời thông báo khi có gia súc, gia cầm bị bệnh và chết để xử lý. Tăng cường kiểm tra việc vận chuyển gia súc di nhập vào tỉnh cả trên đường bộ và đường thủy; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, mua bán gia súc tại các điểm chợ, kiên quyết xử lý nghiêm đối tượng mua bán gia súc bệnh, chết; tịch thu tiêu hủy sản phẩm đúng quy định. Tăng cường mạng lưới thú y cơ sở, kịp thời dập tắt những ổ dịch nhỏ mới xuất hiện, xử lý tiêu độc ổ dịch cũ không để bùng phát lây lan.
* Đến ngày 4/8, dịch lợn tai xanh tại Bạc Liêu lây lan ra 17 ấp khóm, của 5 xã phường, 3 huyện thị gồm: Vĩnh Lợi, Hòa Bình và thị xã Bạc Liêu, với hơn 260 con lợn mắc bệnh đã tiêu hủy. Điều lo ngại hơn, dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên đàn lợn của tỉnh là rất cao, khó có thể kiểm soát được.
Mặc dù dịch lợn tai xanh tái phát trở lại nhiều ngày qua, nhưng đến nay các địa phương mới loay hoay công tác thống kê, kiểm soát tổng đàn; tiêu hủy lợn bệnh khi có hộ dân báo, hướng dẫn phun hóa chất phòng ngừa mầm bệnh… Điều bất cập hiện nay, khác với những lần chống dịch trước, ngành chức năng không trực tiếp phun thuốc tiêu độc sát trùng dập mầm bệnh, mà giao công việc này cho hộ chăn nuôi tự làm, nên nhiều hộ không đủ dụng cụ, đồ dùng chỉ làm mang tính đối phó, do đó mầm bệnh không chỉ chưa ngăn chặn được mà đang lây lan, phát tán ra môi trường.
Mặc khác, trong khi dịch bệnh bùng phát nhanh nhưng công tác tuần tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, tiêu thụ gia súc ra vào vùng dịch chưa được quan tâm. Tình trạng, bán tháo lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc, không chỉ có đàn lợn trong tỉnh mà lợn ngoài tỉnh cũng ồ ạt tràn vào địa bàn.
Điều đáng nói hơn, nhiều năm gần đây tỉnh Bạc Liêu liên tục tái phát dịch lợn tai xanh trên diện rộng, nhưng hộ chăn nuôi vẫn còn tư tưởng chủ quan. Trong khi đó, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương cũng chậm chập vào cuộc. Đặc biệt, khi mới phát hiện một vài ổ dịch nhỏ thì chậm xử lý, đến khi dịch lây lan ra diện rộng thì cho rằng lực lượng mỏng, vượt ngoài tầm kiểm soát. Phần lớn những đợt chống dịch vừa qua, chống dịch nhưng thực chất “chạy” theo dịch bệnh là chính, càng chống dịch bệnh càng lây lan nhanh.
* Ngày 4/8, UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Bù Đăng khẩn trương thành lập chốt kiểm dịch phòng chống heo tai xanh tại xã Đăng Hà để thực hiện việc kiểm dịch 24/24 giờ; kiểm tra, kiểm soát vận chuyển giao súc, gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm qua lại giữa Bình Phước và Đồng Nai
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, những ngày qua trên địa bàn xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng đã phát hiện heo nghi bị bệnh tai xanh, lực lượng thú y và chính quyền địa phương đã tiêu hủy heo bị bệnh nặng, đồng thời tiến hành cách ly điều trị, tiêu độc khử trùng chuồng heo bị bệnh và khu vực lân cận. Hiện nay, việc vận chuyển heo trên tuyến đường từ Nam Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai qua xã Đăng Hà hết sức phức tạp, hàng trăm con heo vận chuyển qua mỗi ngày, có thể là nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Các cơ quan chức năng tiến hành phun thuốc sát trùng tất cả các phương tiện vận chuyển động vật, không cho nhập động vật, sản phẩm động vật nghi nhiễm bệnh, không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc giấy chứng nhận không hợp lệ; đối với heo bệnh, thịt heo bệnh tịch thu tiêu hủy không hỗ trợ đền bù.
Trước đó, tỉnh Bình Phước đã công bố dịch heo tai xanh tại xã Thanh An, huyện Hớn Quản, nơi đã có gần 100 con heo nhiễm bệnh tai xanh trên tổng đàn gần 250 con.
* Ngày 4/8, các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành tiêu huỷ trên 50 con lợn được khẳng định mắc bệnh tai xanh, xảy ra tại ổ dịch thuộc xã Ninh Quang, huyện Ninh Hòa, và được xem là ổ dịch đầu tiên ở Khánh Hòa. Tại các xã ở huyện Diên Khánh, chúng tôi đã tiếp cận hoàn cảnh của nhiều trại lợn và các gia đình nông dân, đang điêu đứng vì lợn bị bệnh chết hàng loạt. Họ phải bán đổ bán tháo, lợn chết giá chỉ 50-100 nghìn đồng/con, lợn nái hơn 2 tạ giá cũng chỉ đến 200 nghìn đồng/con. Theo một số cán bộ thú y và người dân, lợn bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ là bị bệnh tai xanh như: sốt, sẩy thai, da biến màu, bỏ ăn, lở loét... Điều nguy hại hơn vì số lượng lợn chết hàng loạt nên nhiều hộ không thể tiêu hủy hết và mang lợn chết bỏ vào bao tải thả xuống kênh mương hay các bãi rác gây nên tình trạng ô nhiễm và độ lây nhiễm bệnh gia tăng.
Tại thôn Lương Phước, xã Diên Bình (huyện Diên Khánh), thấy chúng tôi tìm hiểu về các hộ dân bị thiệt hại do lợn bị dịch chết, một người dân liền hỏi lại: “Chú hỏi làm gì? Mua heo bệnh phải không? Lợn ở đây còn con nào nữa đâu mà mua. Chết hết rồi, con nào còn sống cũng bán sạch rồi chú à”. Nói về tình trạng lợn chết ở đây, ông Nguyễn Mười, cán bộ thú y cho biết: Xã Diên Bình là nơi cung cấp nguồn lợn giống với tổng đàn lợn trên 2.000 con, nhưng chỉ trong tháng 7 vừa rồi toàn xã đã có 1.600 con bị chết với các triệu chứng của bệnh tai xanh. Lợn chết hàng loạt ở các thôn tập trung nuôi nhiều ở xã Diên Bình như: Hội Phước, Nghĩa Thành, Nghiệp Thành, Lương Phước… ở các thôn này hầu như không còn đàn nào. Chị Hồng ở thôn Lương Phước (xã Diên Bình) cho biết: Thấy đàn lợn gần 20 con của mình nổi đỏ, biếng ăn, sốt… chị liền gọi thú y đến chích thuốc, nhưng chích xong lợn được vài ngày thì lăn ra chết đồng loạt. Con lợn nào cũng nặng 40- 50kg, nhưng lái buôn bảo lợn bệnh và đã chết nên chỉ mua với giá 100 nghìn đồng/con. Nhiều hộ khác cố gắng giữ đàn lợn bằng tiêm thuốc, nhưng càng giữ càng chết, họ đành bán rẻ. Lợn nhỏ không ai mua thì đem chôn, chôn không hết thì đành… thả xuống mương.
Đi dọc tuyến mương thủy lợi qua xã Diên Bình, Diên Lộc, chúng tôi bắt gặp khá nhiều xác lợn chết thả trôi, nhưng bao tải lớn chất đầy lợn con, tất cả bốc mùi hôi thối. Một người dân gần đó cho biết, có lúc số lượng lợn chết nhiều đến mức tắc cả cống nước, để xử lý người dân phải lội xuống vớt xác lợn lên chất thành đống. Xã Diên Lộc cũng là một trọng điểm của dịch, tính đến nay trên địa bàn xã đã có hàng trăm con lợn bị chết, tuy nhiên do tâm lý tiếc của nên bà con ít trình báo với UBND xã và tự xử lý. Anh Nguyễn Văn Tâm, một chủ trại lợn nuôi gần 70 con cho biết: “Lúc đàn lợn bị bệnh, tôi đã bỏ ra 5- 6 triệu để thuê thú y chích thuốc nhưng lợn vẫn chết. Lợn nhỏ chết thì đành mang đi chôn, lợn tầm 40 -50kg thì bán rẻ 50- 100 nghìn đồng/con, con nào còn sống thì bán với giá 15- 20 nghìn đồng/kg. Riêng 5 con lợn nái nặng hơn 2 tạ rưỡi không thể đem chôn vì nặng quá, nên tôi năn nỉ lái heo mang đi với giá 200 – 300 ngàn đồng/con. Sau 2 tuần dịch bệnh, gia đình anh Tâm đã thiệt hại gần 100 triệu đồng do lợn chết. Ngoài anh Tâm còn có gia đình anh Nguyễn Ngọc Tú, Trần Thăng Long… cũng thiệt hại nặng.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Diên Lộc cho biết: Ngay khi nhận được tin báo, xã đã báo cho Chi cục thú ý về kiểm tra để xác định có phải bệnh tai xanh hay không để có cơ chế hỗ trợ cho bà con nông dân. Nhưng đoàn kiểm tra kết luận, lợn chết do bị tụ huyết trùng và dịch tả. Vì thế, xã cũng đành nhìn nông dân... chịu trận một mình. Riêng với tình trạng ô nhiễm do xác lợn thả mương, UBND xã đã chỉ đạo thu gom xử lý, đồng thời tuyên truyền cho bà con ngăn chặn tình trạng trên tái diễn để tránh lây lan dịch bệnh.