00:00 Số lượt truy cập: 2687624

Dịch lợn 'tai xanh' từng bước được kiểm soát 

Được đăng : 03/11/2016
Theo Cục Thú y, dịch lợn "tai xanh" đang từng bước được kiểm soát, nhiều địa phương không xuất hiện xã mới, huyện mới có dịch.

Số lượng gia súc mắc bệnh và phải tiêu hủy trong tuần giảm rõ rệt (tổng số gia súc mắc bệnh là 875 con, số tiêu hủy 962 con, bằng 1/10 tuần trước).

Ðặc biệt, Thanh Hóa đã kiểm soát không để phát sinh gia súc mắc bệnh trong tuần qua.

Một số tỉnh như: Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thái Bình cũng tạm thời kiểm soát được tình hình. Một số tỉnh đề nghị được công bố hết dịch trên địa bàn các xã, huyện có dịch trước đây.

Tuy nhiên theo cảnh báo của Cục Thú y dù dịch đang ở giai đoạn đi xuống, một số địa phương đã kiểm soát được tình hình nhưng nguy cơ tái bùng phát là rất lớn.

Khi người chăn nuôi bước vào khôi phục sản xuất sau dịch, nếu chính quyền các địa phương không quan tâm, hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát chặt chẽ nguồn con giống từ những cơ sở an toàn, thực hiện vệ sinh, tiêu độc chuồng trại nghiêm ngặt... thì nguy cơ dịch quay trở lại là khó tránh.

Ngày 21-5, Cục Thú y sẽ tổ chức Hội thảo khoa học phòng, chống Hội chứng PRRS ở lợn. Các chuyên gia của Cục Thú y Trung Quốc cũng vừa sang giúp Việt Nam công tác phòng, chống dịch tai xanh.

Về dịch cúm gia cầm, tại Cần Thơ lại tiếp tục phát hiện ổ dịch mới trên đàn vịt của một hộ chăn nuôi ở ấp Tân Quy, phường Trường Lạc, quận Ô Môn. Tổng đàn vịt là 2.550 con, khoảng 180 ngày tuổi được mua ngày 16-5. Ðàn vịt không rõ nguồn gốc (không có giấy kiểm dịch và giấy tiêm phòng).

Ngày 17-5, đàn vịt bắt đầu chết, đến ngày 18-5 là 500 con. Chi cục Thú y lấy mẫu gửi xét nghiệm và ngày 19-5 có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1. Toàn bộ đàn vịt nói trên đã được tiêu hủy. Hiện cả nước có ba tỉnh là Cần Thơ, Trà Vinh và Long An có dịch cúm gia cầm.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm nhận định, các ổ dịch tuy xuất hiện rải rác và được xử lý ngay nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây thành dịch lớn nếu các địa phương không chủ động áp dụng các biện pháp đồng bộ phòng, chống dịch theo quy định. Vì vậy, thời gian tới cần quan tâm, giám sát chặt chẽ việc chăn nuôi vịt tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng và Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung để kịp thời phát hiện, xử lý, không để dịch lan rộng.