00:00 Số lượt truy cập: 2686390

Dịch tai xanh đe dọa lớn tới các tỉnh miền Đông Nam Bộ 

Được đăng : 03/11/2016

Chiều ngày 20/5, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch cúm gia cầm, Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh cho biết: diễn biến dịch tai xanh trên đàn lợn tại Thừa Thiên - Huế và Lâm Đồng đang trở nên phức tạp hơn, có nguy cơ lây lan rộng trong tỉnh và đe dọa rất lớn tới các tỉnh xung quanh, nhất là các tỉnh miền Đông Nam Bộ nếu không kiểm soát tốt được khâu vận chuyển gia súc.


Thống kê trong tuần từ ngày 12 đến 19/5 cho thấy: trong tổng số lợn mới mắc bệnh trong tuần tại 9 tỉnh là 875 con, số lợn tiêu hủy là 962 con thì hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Lâm Đồng đã chiếm tới 594 con lợn mắc bệnh mới và tiêu hủy 679 con. Dịch tai xanh cũng được phát hiện tại 3 xã mới ở các tỉnh Nam Định và Nghệ An.

 

Mặc dù vậy, Ban Chỉ đạo cũng đánh giá: dịch tai xanh đang từng bước được kiểm soát, số lượng gia súc mắc bệnh và phải tiêu hủy trong tuần giảm rõ rệt so với tuần trước. Đáng chú ý, tỉnh Thanh Hóa đã kiểm soát không để phát sinh gia súc mắc bệnh trong tuần. Hiện tại, cả nước có 9 tỉnh có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục giúp đỡ các tỉnh có dịch, đặc biệt tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) và huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) nhanh chóng bao vây, kiểm soát các ổ dịch không để lây lan sang các xã, huyện mới, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tư thương vận chuyển bất hợp pháp con giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...


Đối với dịch cúm gia cầm, tỉnh Cần Thơ đang tái phát dịch trên đàn vịt 2.550 con (không có giấy kiểm dịch và giấy tiêm phòng) của một hộ chăn nuôi ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, làm chết 500 con. Toàn bộ đàn vịt nói trên đã được tiêu hủy. Như vậy, hiện cả nước có 3 tỉnh là: Cần Thơ, Trà Vinh và Long An có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

 

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch cúm gia cầm: các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra lẻ tẻ tại các tỉnh phía Nam cho thấy vi rút cúm đã phát tán rộng trong môi trường. Những đàn gia cầm không tiêm phòng đầy đủ theo quy định hoặc không áp dụng các biện pháp phòng dịch tổng hợp rất dễ bị vi rút tấn công, phát thành ổ dịch. Các tỉnh cần tập trung hoàn thành chiến dịch tiêm phòng đợt I theo đúng kế hoạch, đồng thời giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm và xử lí triệt để ổ dịch .